Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2000 - 2005 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2005 - 2010

Để minh họa rõ hơn về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, khoá VIII đã trình bày, Ủy Ban Nhân Dân huyện xin báo cáo kết quả thực hiện một số nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2000-2005 và phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2005 - 2010, để Đại hội có thêm cơ sở quyết nghị các vấn đề quan trọng của địa phương.

PHẦN I

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG 5 NĂM 2000-2005:

Trong 5 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân lao động, Huyện Củ chi đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Kinh tế của huyện đạt mức tăng trưởng bình quân hằng năm 17,96%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực sản xuất công nghiệp và thương mại- dịch vụ. Trong tổng giá trị sản xuất, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng 74,46%, ngành nông- lâm- thủy sản chiếm 14,59%, và thương mại- dịch vụ chiếm 10,95%. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất và xã hội được tiếp tục đầu tư xây dựng và phát huy tác dụng tích cực. Sau đây là tình hình cụ thể trên những lĩnh vực kinh tế -xã hội chủ yếu:

I.- VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:

1- Về nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết không thuận lợi và dịch cúm gia cầm xảy ra liên tục trong 2 năm gần đây đã ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, vật nuôi. Nhưng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp, nên sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2000- 2005 tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 3,43 %, tăng 0,02 % so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Trong trồng trọt, diện tích cây lúa giảm 5.999 ha và đậu phộng giảm 716 ha, được chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả cao như cây bắp lai, cây cỏ, cây mía, riêng cây lúa diện tích giảm nhưng năng suất bình quân đạt 4 tấn /ha (tăng 0,79 tấn /ha so với năm 2000). Cây rau an toàn được xác định là loại cây trồng chủ lực của huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện phát triển diện tích canh tác trên 855 ha ở 15 xã, thị trấn. Ngoài ra hoa lan, cây kiểng bước đầu được chú trọng phát triển trên 50 ha, với tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng.

Trong chăn nuôi, tổng đàn bò sữa đạt trên 19.000 con, tăng gấp 2 lần so năm 2000, vượt 20 % so Nghị quyết, trở thành vùng trọng điểm có đàn bò sữa cao nhất toàn Thành phố, nhưng hiện nay do giá thức ăn gia súc tăng, người chăn nuôi không có lãi nên đàn bò sữa phát triển chậm lại. Tổng đàn heo đạt 64.000 con, đàn gia cầm không phát triển do dịch cúm gia cầm. Ngoài ra con cá sấu và cá kiểng bước đầu được chú trọng, hiện nay chăn nuôi cá sấu trong hộ gia đình được 2.645 con, làng nghề cá cảnh Phú Hòa Đông đang triển khai đầu tư với quy mô khoảng 30 ha và con tôm càng xanh đang được nuôi thử nghiệm với diện tích trên 5 ha.

2- Sản xuất công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 21,47%, tăng 6,22 % so chỉ tiêu Nghị quyết, cơ cấu sản xuất tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công nghiệp dân doanh, khu vực công nghiệp nhà nước giảm dần và đã chuyển sang công ty cổ phần. Hiện nay trên địa bàn huyện có 1.372 cơ sở sản xuất do huyện quản lý, và có 63 doanh nghiệp 100 % vốn nước ngoài thu hút trên 33.000 lao động của địa phương và một phần lao động nhập cư.

Nhìn chung sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 5 năm qua còn gặp nhiều khó khăn do những biến động về giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định, việc đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị ở các doanh nghiệp còn hạn chế, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Song các doanh nghiệp đã tích cực khai thác thị trường, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu khách hàng nên giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng cao qua từng năm.

Các khu công nghiệp tập trung tiếp tục phát huy hiệu quả, khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi thu hút 43 doanh nghiệp, khu công nghiệp Tân Phú Trung đang triển khai đền bù giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 543 ha, hiện có 47 doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất. Ngoài ra huyện còn thu hút khá nhiều doanh nghiệp đầu tư trên các tuyến đường liên xã đã được thành phố quy hoạch bố trí công nghiệp sạch.

3- Thương mại - Dịch vụ:

Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 7.739 cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ. Mặc dù bị ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực, nhưng trong 5 năm qua với phương thức kinh doanh mới, linh hoạt, chủ động nên thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán huyện đã giữ vững lợi thế cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng trên 95 % so toàn ngành. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành thương mại - dịch vụ 27,13 %, tăng 18,58 % so với chỉ tiêu Nghị quyết

4- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và xã hội trên địa bàn huyện 5 năm qua đã thực hiện trên 995,906 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đầu tư là 199,18 tỷ đồng, trong đó:

- Đầu tư trong lĩnh vực giao thông 563,294 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56,56%.

- Đầu tư giáo dục- văn hoá xã hội 357,242 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,87%.

- Đầu tư thuỷ lợi 75,37 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,57%.

Ngoài ra huyện còn được đầu tư trực tiếp của các ngành Trung Ương và Thành phố 959,63 tỷ đồng, bình quân 192 tỷ đồng/ năm. Đặc biệt là huyện đã tiếp tục thực hiện huy động sức dân cùng nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cụ thể qua các chương trình sau:

- Chương trình xây dựng đường giao thông: Năm 2000, Củ Chi tiếp tục chủ trương nhựa nóng đường giao thông nông thôn, bằng vốn vay ưu đãi từ quỹ đầu tư và phát triển đô thị thành phố, đến đầu năm 2004, huyện đã công bố hoàn thành 248 tuyến đường bê tông nhựa nóng, dài 252 km, với tổng kinh phí trên 128 tỷ đồng, và bê tông hoá 44 cầu nội đồng, với tổng chiều dài 1.064 m, tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Đặc biệt trong năm 2005 để chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước huyện tiếp tục đầu tư xây dựng 5 tuyến đường liên xã, với tổng vốn đầu tư 111,480 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp giá trị quyền sử dụng đất không nhận tiền đền bù gần 50 tỷ đồng, chiếm 44,50% tổng vốn đầu tư công trình.

- Chương trình kiên cố hoá kênh mương: từ đầu năm 2000 đến nay đã thực hiện 381 km kênh các loại, tổng kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư 57 tỷ đồng, ngân sách huyện đầu tư 155km với kinh phí 39 tỷ đồng, nhân dân đầu tư 30km với kinh phí 4 tỷ đồng. Công trình đã phát huy tác dụng góp phần rất lớn vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện.

- Chương trình đèn chiếu sáng dân lập: Thực hiện theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm (ngân sách huyện 50%, ngân sách xã 20%, nhân dân đóng góp 30%). Với 8.609 bộ đèn được đầu tư, tổng kinh phí trên 68,468 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện đầu tư 34,234 tỷ đồng, ngân sách xã đầu tư 13,694 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 20,540 tỷ đồng. Riêng hệ thống chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường liên xã do thành phố quản lý, hiện còn trên 4.000 bộ đèn cần được đầu tư, hiện nay đã được thành phố chấp thuận đầu tư 2.000 bộ trong giai đoạn 2006 -2010.

5- Tài nguyên - Môi trường:

Trong công tác địa chính huyện đặc biệt quan tâm công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu năm 2004 huyện đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và trong năm 2005 huyện đã lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010, đang tiến hành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực, từng khu dân cư có sự cải thiện. Cương quyết xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm, bắt buộc phải triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm. Di dời 11 đơn vị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu dân cư và 11 đơn vị này được thành phố xét duyệt cho vay vốn thiết lập hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường.

6- Ngân sách:

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 377,117 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 75,423 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách huyện 805,822 tỷ đồng, bình quân 161 tỷ đồng / năm.

- Tổng thu ngân sách xã, thị trấn 106,365 tỷ đồng, bình quân 21,273 tỷ đồng/năm.

- Tổng chi ngân sách huyện 795,458 tỷ đồng, bình quân 159 tỷ đồng /năm .

- Tổng chi ngân sách xã, thị trấn 96,893 tỷ đồng, bình quân 19,378 tỷ đồng/ năm.

Nhìn chung các khoản thu ngân sách nhà nước hàng năm thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước. Thực hiện thu đúng, thu đủ, huy động số thu kịp thời vào ngân sách. Việc quản lý và điều hành chi ngân sách huyện hàng năm luôn đảm bảo theo dự toán, giải quyết kịp thời các khoản chi thường xuyên, trong chi ngân sách khi bố trí dự toán chi đều có tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

II- VỀ VĂN HÓA XÃ HỘI:

1- Công tác chăm lo đời sống, nhà ở cho nhân dân đạt được thành tựu:

- Cuối năm 2000, đời sống của nhân dân trong huyện có cải thiện, không còn hộ đói, xóa nhanh hộ nghèo nhưng toàn huyện vẫn còn 5,1% hộ có thu nhập dưới 2,5 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục phát huy thành quả chương trình xoá đói giảm nghèo các năm trước, bằng các giải pháp khả thi, đến cuối năm 2003, Củ Chi cơ bản hoàn thành chương trình xoá đói giảm nghèo theo tiêu chí của thành phố, giai đoạn 1992-2003, trước 2 năm so Nghị quyết đề ra.

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 chương trình xoá đói giảm nghèo, huyện tiếp tục triển khai thực hiện xóa hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố (trên 6 triệu đồng/người/năm). Qua điều tra toàn huyện còn 9.995 hộ nghèo có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm, chiếm tỉ lệ 14,16% so tổng hộ dân, trong đó có 6.188 hộ thu nhập dưới 4 triệu đồng/người/năm. Khả năng đến cuối năm 2005, mức thu nhập thấp nhất của tất cả hộ nghèo sẽ nâng lên trên 4 triệu đồng/người/năm và có 1.115 hộ vượt chuẩn thu nhập 6 triệu đồng/người/năm theo tiêu chí mới của thành phố.

Song song đối với chương trình XĐGN, vấn đề chăm lo nhà ở cho gia đình diện chính sách và dân nghèo được Đảng bộ - chính quyền và nhân dân Củ Chi đặc biệt quan tâm, đến nay diện chính sách và dân nghèo trong huyện đã được tặng 3.806 nhà tình nghĩa (tương đương 57 tỷ đồng), 3.754 nhà tình thương (tương đương 18,777 tỷ), giải quyết cho 4.160 hộ vay vốn trả góp xoá nhà tranh tre (với số tiền 22,783 tỷ đồng). Đến nay, Củ Chi cơ bản xóa hết nhà tranh tre. Có 98,8% nhà kiên cố và bán kiên cố, vượt 8,8% so Nghị quyết.

2- Công tác giáo dục đào tạo:

Hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục đào tạo đều đạt và được duy trì trong từng năm học, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư hoàn chỉnh. Chất lượng đào tạo không ngừng nâng cao. Đội ngũ giáo viên đã được chuẩn hóa và đào tạo nâng cao.

Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp 1 và trẻ tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6 đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp và hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt trên 99%. Hiệu suất đào tạo bậc tiểu học đạt trên 94,8%. Hiệu suất đào tạo bậc THCS đạt 90,50%. Kéo giảm tỷ lệ học sinh nghĩ bỏ học bậc tiểu học từ 0,8% xuống còn 0,08%, bậc trung học giảm từ 4,6% xuống còn 1,65%. Tất cả đều vượt chỉ tiêu nghị quyết.

Tập trung hoàn thành công tác phổ cập giáo dục. Đến nay, tiếp tục duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở, hiện đang tích cực triển khai thực hiện phổ cập trung học phổ thông ở các xã, thị trấn.

3- Hoạt động văn hóa - thể dục thể thao:

- Đời sống người dân được cải thiện, mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân được nâng lên, 100% hộ dân có điều kiện tự trang bị phương tiện nghe nhìn, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ.

- Các hoạt động phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của nhân dân rất được chú trọng, Đài truyền thanh huyện đã được đầu tư hệ thống truyền thanh rộng khắp từ huyện đến xã, thực hiện truyền thanh hóa trên 90% hộ dân được tiếp nhận thông tin qua hệ thống loa công cộng và phát hành bản tin nội bộ cung cấp đến các ấp, khu phố.

- Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” thu hút trên 90% hộ dân tham gia. Phong trào người tốt việc tốt nở rộ, mỗi năm có khoảng gần 2.000 người được biểu dương. Đến nay có 85,73% hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Ra mắt 101 ấp, khu phố văn hóa, 05 xã, thị trấn văn hóa và 26 điểm sáng văn hóa, trong đó có 60 ấp, khu phố được thành phố công nhận ấp, khu phố văn hóa, 12 ấp, khu phố đạt chuẩn ấp, khu phố văn hóa 5 năm liền, 94 khu dân cư xuất sắc, 18 khu dân cư tiên tiến, không có khu dân cư yếu kém. Có 88 công sở đạt chuẩn công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn, đơn vị văn hóa, trong đó có 15 đơn vị được thành phố công nhận.

- Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nên huy động được sức mạnh, nội lực của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội.

- Hoạt động thể dục thể thao phát triển khá, thông qua các giải thể thao truyền thống đã tập hợp số đông lực lượng vận động viên không chuyên tham gia luyện tập. Duy trì phong trào luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 18% tổng dân số. Nhiều năm liền được thành phố công nhận đơn vị có phong trào quần chúng tham gia thể dục thể thao xuất sắc.

III- TRUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO:

- Huyện đã thành lập Hội đồng phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật từ huyện đến các xã, thị trấn, huy động được các đơn vị, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền đến tận dân các văn bản Luật, pháp lệnh, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền địa phương, nâng cao kiến thức pháp luật và giáo dục nhân dân sống theo luật pháp.

- Đã tổ chức tập huấn thi hành luật khiếu nại, tố cáo cho các xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành huyện, giúp cho cơ sở thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo công dân. Qua đó công tác hòa giải cơ sở đạt hiệu quả cao, hạn chế đơn vượt cấp, không phát sinh điểm nóng và khiếu kiện đông người.

- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được đặc biệt quan tâm, không để tồn động kéo dài quá thời gian quy định, tỷ lệ giải quyết hàng năm đạt trên 85% số đơn thụ lý. Các quyết định giải quyết khiếu nại của huyện đảm bảo tính pháp lý, chính xác, đúng luật định.

IV- CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH:

- Trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính, huyện luôn tăng cường công tác rà soát các văn bản, chuẩn hóa, mẫu hóa các biểu mẫu thủ tục hành chính đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.

- Tiếp tục thực hiện khoán biên chế và kinh phí hành chính trong khối quản lý nhà nước, và đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kỹ năng thực hành và tác nghiệp cho cán bộ, công chức. Thực hiện tốt quy chế dân chủ và chủ trương chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Thực hiện tin học hóa trong quản lý hành chính nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

V- QUỐC PHÒNG AN NINH:

- Phát huy truyền thống của quê hương, hàng năm chỉ tiêu thanh niên Củ Chi lên đường nhập ngũ đều đạt và vượt kế hoạch, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng rộng khắp, đạt từ 2,6% đến 2,8% dân số và luôn hoàn thành kế hoạch huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cùng với lực lượng công an và nhân dân địa phương giữ gìn an ninh trật tự. Trong huấn luyện, tuần tra, nhiều chiến sĩ đạt thành tích xuất sắc, trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào ở địa phương.

- Công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội có hiệu quả tích cực, đặc biệt là chương trình mục tiêu 3 giảm. Qua phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, nhân dân Củ Chi đã tích cực giám sát, tố giác tội phạm và các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, ma túy. Phạm pháp hình sự đã kéo giảm 40% số vụ, nâng tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 70%, trọng án khám phá đạt 95%. Khám phá được các vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, và ngăn chặn các tệ nạn xã hội khác, được Bộ Công an khen thưởng.

NHỮNG TỒN TẠI - YẾU KÉM:

1- Sản xuất nông nghiệp tốc độ tăng trưởng còn chậm, chưa thật vững chắc, khả năng dự đoán những biến động của thị trường chưa tốt, do đó nhân dân không mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.

2- Sản xuất công nghiệp có mức độ tăng trưởng cao, nhưng nhìn chung còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch phát triển chung của huyện, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số khu dân cư chưa được xử lý tốt.

3- Công tác quản lý đầu tư có chuyển biến tích cực nhưng cũng chưa sâu sát, tình hình xây dựng không phép, vi phạm lộ giới vẫn còn nhiều, chưa được cơ sở quan tâm ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc xử lý nhưng chưa kiên quyết.

4- Lĩnh vực văn hóa xã hội tuy có chuyển biến tích cực nhưng các thiết chế văn hóa cơ sở chưa được đầu tư để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển nông thôn toàn diện, nhất là các ấp, khu phố văn hóa. Công tác đào tạo nghề cho thanh niên chưa có chuyển biến, chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp, công tác phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập phổ thông trung học còn gặp nhiều khó khăn.

5- Tệ nạn xã hội ở nông thôn bước đầu kéo giảm nhưng chưa thật căn cơ, còn tiềm ẩn nguy cơ tái phát và diễn biến phức tạp. Phạm pháp hình sự đang có chiều hướng tăng, mâu thuẩn trong nội bộ nhân dân phát sinh chưa được giải quyết tốt.

6- Công tác cải cách hành chính vẫn còn bộc lộ khuyết điểm, yếu kém, tiến độ cải cách còn chậm, chưa đồng bộ. Tình trạng thay đổi biểu mẫu quy định và thực hiện các thủ tục hành chính trên lĩnh vực nhà đất, cấp phép xây dựng, sản xuất kinh doanh đôi lúc còn gây phiền hà cho nhân dân, chậm khắc phục.

PHẦN II

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

GIAI ĐOẠN 2005-2010

A)- DỰ BÁO NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN :

Trong bối cảnh chung của thành phố đang đứng trước thuận lợi to lớn đồng thời cũng còn những thử thách, khó khăn. Dự báo trong giai đoạn 2005-2010 huyện Củ Chi có những thuận lợi, khó khăn cơ bản như sau :

1- Những thuận lợi cơ bản :

- Đảng bộ và nhân dân Củ Chi vốn có truyền thống cách mạng yêu nước, đoàn kết, cần cù sáng tạo được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, và trở thành một trong những nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện.

- Những thành tựu xây dựng và phát triển của huyện trong 30 năm qua, đặc biệt trong 5 năm gần đây đã tạo tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và bền vững trong nhiệm kỳ tới.

- Củ Chi là địa bàn có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, tiềm năng đất đai, lao động cũng như phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch khi được khơi dậy và phát huy sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

- Kết cấu kỹ thuật hạ tầng được đầu tư, cơ cấu kinh tế, lao động có sự chuyển dịch tích cực, phát huy thế mạnh, tiềm lực của địa phương, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2005-2010.

2- Những khó khăn chủ yếu :

- Thực trạng hiện nay, sự tăng trưởng kinh tế của huyện chưa thật ổn định và vững chắc, ngành dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng của huyện trong quá trình chuyển dịch cơ cấu.

- Thu nhập và mức sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, đáng lo ngại là có xu hướng phân hóa sự cách biệt giàu nghèo ở nông thôn.

- Tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nhất là đất đai, môi trường, số lượng dân nhập cư tăng cao, tác động không ít đến tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.

B)- MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2005-2010:

I- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT :

- Đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nông nghiệp-thương mại-dịch vụ. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, và tinh thần của nhân dân, phấn đấu đến năm 2010, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên từ 10-15 triệu đồng/năm. Cải thiện điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Tập trung giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, từng bước phát triển Củ Chi trở thành một thành phố vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh, hiện đại và phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới.

- Triển khai thực hiện 5 chương trình trọng điểm phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2005-2010. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chăm lo nhà ở cho người có thu nhập thấp và giảm hộ nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao mức sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm, cải cách hành chính và hoàn thành quy hoạch việc sử dụng đất đai trên địa bàn huyện.

II- CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG 5 NĂM (2005 - 2010):

1- Các chỉ tiêu về kinh tế : Giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,76%, trong đó:

- Giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN: 8.259,763 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,94%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 20,76%,

- Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản: 821,295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,05%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 5,44%.

- Giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ 1.123 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,01%, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,89%.

2- Các chỉ tiêu về ngân sách:

- Tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 468,499 tỷ đồng, tăng 24,23% so cùng kỳ, bình quân mỗi năm 93,700 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách huyện 1.159,408 tỷ đồng, tăng 43,87% so cùng kỳ, bình quân mỗi năm 231,882 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách xã, thị trấn 208,811 tỷ đồng, tăng 96,31% so cùng kỳ, bình quân mỗi năm 41,762 tỷ đồng.

- Tổng chi ngân sách 1.187,118 tỷ đồng, tăng 49,24% so cùng kỳ, bình quân mỗi năm 237,423 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách huyện 1.159,408 tỷ đồng, chi ngân sách xã, thị trấn 208,811 tỷ đồng.

3- Các chỉ tiêu về Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản: 3.002,605 tỷ đồng, tăng 2 lần so cùng kỳ, bình quân mỗi năm 600 tỷ đồng, trong đó:

. Đầu tư lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội: 1.204,948 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40,13%.

. Đầu tư lĩnh vực giao thông: 1.521,091 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 50,66%.

. Đầu tư lĩnh vực thủy lợi: 216,567 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,21%.

.Trả nợ vay TW: 60 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2%.

- Đầu tư xây dựng thêm 2 khu công nghiệp tập trung, gồm khu công nghiệp cơ khí chế tạo Hòa Phú - Tân Thạnh Đông 300 ha, và Khu công nghiệp hóa dược Phước Hiệp - Trung Lập Hạ 200 ha.

- Đầu tư 5 cụm công nghiệp ở các xã với tổng diện tích trên 500 ha. (Cụm Bàu Đưng, An Nhơn Tây 122 ha, cụm Bàu Trăn, Nhuận Đức 100 ha, cụm Phạm Văn Cội 100 ha, cụm Tân Quy 100 ha, cụm công nghiệp ô tô SamCo, Tân Thạnh Đông - Hòa Phú 112 ha).

- Bố trí công nghiệp sạch thêm 2 tuyến đường Nguyễn Thị Rành và Tỉnh lộ 7, (nâng lên 7 tuyến đường nội bộ được bố trí công nghiệp sạch), nhằm phân bổ công nghiệp mở rộng thêm trên địa bàn các xã, thị trấn.

4- Các chỉ tiêu xã hội :

- Giai đoạn 2005-2010, mỗi năm giải quyết việc làm cho 8.000 lao động.

- Đẩy mạnh thực hiện chương trình giảm hộ nghèo có mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến năm 2009 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới thành phố.

- Xây dựng 2 xã Thái Mỹ và Tân Thạnh Tây đạt xã nông thôn mới phát triển toàn diện

- Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Phấn đấu đến năm 2007 toàn huyện hoàn thành phổ cập trung học phổ thông.

- Giữ vững địa bàn trong sạch, vững mạnh xây dựng xã, thị trấn văn hóa.

C.- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC :

I- VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:

1- Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn :

Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nâng cao giá trị sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái để nông nghiệp phát triển bền vững. Định hướng trong giai đoạn 2005 - 2010 huyện tập trung phát triển chương trình “2 cây, 2 con” gồm cây rau an toàn và hoa lan cây kiểng, con bò sữa và con cá sấu. Phấn đấu thực hiện đạt giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản 821,295 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 5,44%, nâng tỷ trọng chăn nuôi lên 36%.

- Ngành trồng trọt chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao thay thế cây lúa, với giống tốt, chất lượng và áp dụng khoa học kỹ thuật mới, nhằm tăng năng suất và chất lượng nông sản thành phẩm gồm một số cây trồng chủ yếu:

. Cây lúa từ 14.344 ha giảm còn 5.900 ha (-8.444 ha), chủ yếu sản xuất lúa giống, tập trung ở các xã có nguồn nước kênh đông.

. Cây rau an toàn diện tích canh tác từ 855 ha, tăng lên 3.000 ha (+ 2.145 ha), phát triển các xã đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó tập trung ở 4 xã Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Bình Mỹ, Trung Lập Hạ.

. Hoa lan, cây kiểng từ 45 ha, tăng lên 500ha (+ 455 ha), phát triển ở các xã, thị trấn.

. Cây ăn quả từ 2.500 ha lên 5.000 ha (+2.500 ha), tập trung ở các xã ven sông Sài Gòn.

. Chuyển đổi diện tích lúa sang đầu tư khu đô thị Tây Bắc và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng 3.340 ha (trong thời gian chờ triển khai đầu tư sẽ tận dụng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa và bò thịt khoảng 1.000 ha).

- Ngành chăn nuôi tiếp tục đẩy mạnh, từng bước cân bằng giữa trồng trọt và chăn nuôi, cụ thể đến năm 2010:

. Bò sữa: Phát triển 35.000 con, theo hướng tăng chất lượng và qui mô hộ chăn nuôi từ 10 con trở lên.

. Cá sấu 20.000 con, phát triển trong hộ gia đình

. Bò thịt: Phát triển 16.000 con, phát triển trong hộ gia đình

. Đàn heo: Phát triển 75.000 con, theo hướng phát triển trong trang trại

. Các loại vật nuôi khác như trăn, ếch, thỏ phát triển theo qui mô hộ gia đình.

* Những giải pháp cần tập trung thực hiện đối với sản xuất nông nghiệp

- Thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến 2010 cho phù hợp với chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và kế hoạch sử dụng đất, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường thực hiện tốt công tác khuyến nông, công tác bảo vệ thực vật, như chương trình huấn luyện IPM và sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn và sản xuất lúa giống. Phấn đấu nâng tổng diện tích canh tác đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn 21 xã, thị trấn. Đồng thời thực hiện đề án mô hình sản xuất cánh đồng 100 triệu đồng/ha/năm trở lên ở xã Trung Lập Hạ.

- Tiếp tục thành lập các tổ hợp tác trong sản xuất và củng cố hoạt động các hợp tác xã đi vào hoạt động có hiệu quả, và thực hiện chương trình hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển thêm 3 quỹ tín dụng ở xã Thái Mỹ, Tân Phú Trung và An Nhơn Tây.

- Giữ vững và phát triển đàn bò sữa, và phát triển chăn nuôi cá sấu hộ gia đình, đồng thời xây dựng phát triển làng cá cảnh xuất khẩu. Tăng cường tiêm phòng gia xúc kịp thời, đạt tỉ lệ cao nhất, tránh hiện tượng dịch bệnh phát sinh, xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

2- Phát triển công nghiệp:

Phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN 8.259,763 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 20,76%.

*Những giải pháp trong phát triển công nghiệp:

- Đẩy mạnh các hoạt động, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Tập trung phát triển các làng nghề truyền thống như: mây tre lá, bánh tráng xuất khẩu để phát huy tiềm năng tay nghề và nguồn nguyên liệu địa phương.

- Đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện hạ thế, trung thế cho các khu, cụm công nghiệp tập trung, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, nhằm tạo sự gắn bó chặt chẽ giữa người cung cấp nguyên liệu và doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình biện pháp hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời hạ giá thành sản phẩm. Thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường và công tác di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp tập trung kết hợp với đổi mới công nghệ, thiết bị.

3- Thương mại - Dịch vụ :

Thực hiện khai thác tiềm năng của các ngành Thương mại- dịch vụ để tạo được sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Phấn đấu thực hiện tổng giá trị 1.123,910 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,89%.

* Những giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ :

- Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng siêu thị phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và tạo bộ mặt phát triển thương mại dịch vụ của huyện, nhằm kết hợp với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh công tác thu mua nông sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

- Triển khai kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng mới các chợ và tổ chức đấu thầu kinh doanh khai thác quản lý chợ, xây dựng 3 chợ văn hóa văn minh sạch đẹp.

- Đặc biệt chú trọng kêu gọi đầu tư dịch vụ du lịch, vì Củ Chi rất có lợi thế Đền Bến Dược, Địa Đạo Bến Đình. Bên cạnh đó Thảo Cầm Viên Sài Gòn đang triển khai đầu tư khả năng sẽ thu hút rất nhiều du khách.

4- Về Đầu tư cơ sở hạ tầng :

- Tiếp tục đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn huyện.

- Huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp tục đầu tư nâng cấp bê tông nhựa nóng các tuyến đường huyết mạch, liên xã trên địa bàn huyện.

- Tiếp tục huy động vốn nhân dân tham gia nâng cấp cấp phối sỏi đỏ các tuyến đường giao thông nông thôn đã khai hoang thiết lập nền hạ, và các tuyến đường giao thông nội đồng vào cầu trong chương trình bê tông hóa cầu nội đồng.

- Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn ngân sách thành phố thực hiện nâng cấp bê tông nhựa nóng và cán đá trải nhựa các trục đường giao thông chính theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” nhà nước đầu tư vốn, nhân dân đóng góp hiến đất, hoa màu. Từng bước hoàn thành nhựa hóa các tuyến đường giao thông liên xã.

- Đầu tư xây dựng các nhà văn hóa thể thao các xã, nhằm phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn và đầu tư nâng cấp trụ sở UBND các xã, thị trấn.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

5- Công tác Tài nguyên – Môi trường :

- Tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và quy hoạch chi tiết 1/2000 ở 21 xã, Thị trấn, để công bố các khu vực quy hoạch sử dụng đất đã quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch nghĩa địa và bố trí dân cư nông thôn.

- Tiếp tục thực hiện công tác đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức sử dụng đất công sản, tổ chức tôn giáo và đất ở khu dân cư.

- Tiếp tục xây dựng trạm cấp thoát nước sạch cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, và cho dân cư ở khu Thị trấn, Thị tứ, khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch không ô nhiễm, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

- Vận động nhân dân tham gia giữ vệ sinh môi trường nông thôn, gắn chăn nuôi với bảo vệ vệ sinh môi trường, thực hiện các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường của thành phố. Tăng cường kiểm tra việc xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các kênh rạch phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, bảo vệ môi trường lưu vực kênh thầy Cai – An Hạ, Rạch Tra, sông Sài Gòn.

- Tăng cường kiểm tra xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời nếu không có giải pháp khắc phục hậu quả về môi trường. Tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo quyết định của UBND thành phố.

- Tập trung thực hiện Quy hoạch chi tiết 4 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp trên địa bàn.

II- PHÁT TRIỂN VĂN HÓA XÃ HỘI:

1- Giáo dục đào tạo và dạy nghề:

- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường lớp phục vụ cho giảng dạy, phấn đấu đến năm 2010 có 60% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Nâng cấp trường công nhân kỹ thuật, trang bị thiết bị dạy nghề, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn.

- Huy động 100% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, huy động hết học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 và học nghề tại phân hiệu trường trung học chuyên nghiệp, trường công nhân kỹ thuật trên địa bàn.

- Tiếp tục giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phấn đấu năm 2006 đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS đúng độ tuổi và 19/21 xã, Thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THPT, đến năm 2007 toàn huyện hoàn thành chương trình phổ cập trung học phổ thông.

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa và bồi dưỡng trên chuẩn.

2- Giải quyết việc làm, XĐGN và chăm lo nhà ở cho người có thu nhập thấp

- Dự kiến đến cuối năm 2005, sẽ có 1.115 hộ vượt chuẩn nghèo theo tiêu chí mới. Như vậy, đầu năm 2006, chỉ còn 8.880 hộ nghèo. Bằng việc đẩy mạnh việc phát triển các mô hình kinh tế của các hộ vượt nghèo có hiệu quả các năm trước, hỗ trợ vốn tạo việc làm, phấn đấu đến năm 2009 cơ bản xóa xong hộ nghèo theo tiêu chí mới của thành phố.

- Xây dựng và từng bước triển khai đề án xây 500 căn hộ chung cư để giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp.

- Xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo, tiếp tục vận động xây tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho dân nghèo.

3- Phát triển sự nghiệp y tế, thực hiện công tác dân số gia đình và trẻ em:

- Xây dựng Trung tâm y tế kỹ thuật cao. Triển khai đầu tư nâng cấp bệnh viện Củ Chi, có quy mô 500 giường nội trú, bệnh viện An Nhơn Tây có quy mô 200 giường nội trú.

- Triển khai thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em và bệnh nhân diện bảo hiểm y tế, đảm bảo khám và điều trị miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, giảm tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 5%, trẻ dưới 5 tuổi tử vong không quá 0,15%, giảm thiểu trẻ bị bệnh sốt xuất huyết, viêm não, thủy đậu, quai bị, trẻ bị tai nạn và xâm hại thân thể.

- Khống chế không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức tư vấn, chăm sóc sức khỏe người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh xã hội.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực dân số, gia đình, trẻ em gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Phấn đấu đạt tỉ lệ giảm sinh 0,2%0, tỉ lệ sinh con thứ ba giảm 0,5%.

4- Hoạt động văn hóa thông tin- thể thao:

- Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Duy trì và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa khu dân cư. Đến năm 2010 có 2 xã nông thôn mới phát triển toàn diện (Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây) và 70% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hoá, 04 xã đạt chuẩn xã văn hóa.

- Nâng cao chất lượng hoạt động thể thao văn hóa, duy trì phong trào đàn ca tài tử, củng cố các đội văn nghệ cơ sở phục vụ nhu cầu tham gia và thưởng thức văn nghệ của nhân dân địa phương. Nhân rộng mô hình điểm sáng văn hóa.

- Nâng cao chất lượng hoạt động Đài truyền thanh huyện, duy trì 90% hộ dân được tiếp nhận thông tin (Đài tiếng nói nhân dân thành phố, Đài huyện) qua hệ thống loa công cộng, nâng cao chất lượng bản tin nội bộ và trang web Củ Chi.

III- CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, QUỐC PHÒNG, AN NINH:

1- Công tác cải cách hành chính: Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg, ngày 17/09/2005 của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước, giai đoạn 2001-2010 và theo các mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, giai đoạn 2005-2010 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

2- Tuyên truyền giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật của người dân, nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở.

- Duy trì tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phấn đấu giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm đạt trên 85%, không để đơn tồn quá hạn. Quan tâm công tác phòng chống tham nhũng

3- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm, tăng cường công tác trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

- Duy trì và giữ vững địa bàn không còn người nghiện ma túy, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời đối tượng nghiện ma túy mới phát sinh. Sử dụng đồng bộ các biện pháp để kéo giảm tội phạm, ma túy, mại dâm; tiếp tục xác định công tác đấu tranh phòng, chống ma túy vừa có yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa lâu dài, ngăn chặn có hiệu quả các tổ chức, cá nhân mua bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy và tổ chức sử dụng ma tuý.

- Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm phấn đấu kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự từ 5% - 7%, tỷ lệ phá án đạt 65% - 70%, trong đó phá các vụ trọng án đạt trên 90%.

- Vận động nhân dân, cán bộ công chức, công nhân, học sinh, lực lượng võ trang và gia đình chấp hành pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong trật tự an toàn giao thông theo Luật Giao thông đường bộ. Phấn đấu kéo giảm 20% số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông.

- Triển khai các biện pháp phòng chống cháy nổ, thường xuyên kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy cao ở khu dân cư và khu vực trồng rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày. Tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ, lắp đặt các trụ nước PCCC theo kế hoạch.

4- Công tác quốc phòng :

Tiếp tục thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, thực hiện đạt 100% công tác tuyển quân nghĩa vụ quân sự ở cả 2 cấp, diễn tập phòng thủ, hội thao quốc phòng, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng võ trang. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đạt tỷ lệ theo quy định.

Trên đây là báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm (2000 –2005) và phương hướng, chỉ tiêu và giải pháp ở một số lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu của giai đoạn 2005 - 2010. Trong quá trình tổ chức thực hiện UBND huyện sẽ có cân đối, phân bổ vào kế hoạch cụ thể từng năm và có xây dựng các chuyên đề, các chương trình cho từng lĩnh vực trọng điểm.

UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN CỦ CHI

Thông báo