Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

63/63 hệ thống MTTQ các tỉnh thành đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 14/3

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/3, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu, cho ý kiến vào những vấn đề trọng tâm như giải quyết việc làm và giải quyết sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực tái định cư khi bị thu hồi đất; đất xây dựng nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà công vụ.

Các đại biểu cũng cho rằng, bỏ khung giá đất là điểm đổi mới căn bản của dự thảo luật nhằm xóa bỏ cơ chế quản lý đất theo hành chính áp đặt sang xây dựng bảng giá đất sát với giá trị thị trường. Do đó, để đưa bảng giá đất sát với giá thị trường, cần thành lập một cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá đất, thẩm định lại kết quả xác định giá đất, điều chỉnh khi có biến động. Như vậy, giá đất mới đảm bảo được tính độc lập về chuyên môn, tính trung thực khách quan, đảm bảo giá đất phù hợp với thị trường và không chịu áp lực, chi phối từ các nhóm lợi ích…

Góp ý vào các vấn đề cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS. Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội kiến nghị, dự thảo luật cần giải quyết triệt để vấn đề về chính sách nhà ở xã hội, bởi hiện còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn chưa thể mua được nhà. Luật Đất đai lần này phải làm cho thật căn cơ, đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân về vấn đề nhà ở.

Quan tâm đến vấn đề nhà ở công vụ, TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội đề nghị giao cho 1 bộ thống nhất quản lý nhà công vụ, thực hiện nghiêm việc khi hết nhiệm vụ hoặc chuyển công tác khác thì cán bộ trả lại nhà công vụ, tránh để hiểu sai là “đặc quyền, đặc lợi”. Điều này phải được quy định rõ ràng và cần thiết trong luật.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần có cách tiếp cận và hiểu cho đúng là nhà công vụ chỉ để phục vụ cho những người thực thi công vụ, khi rời khỏi công vụ rồi phải trả lại cho Nhà nước. Nhà công vụ phải phục vụ cho tất cả các đối tượng công chức, viên chức, được dùng để cho các đối tượng thuộc diện được ở nhà công vụ thuê trong thời gian đảm nhận chức vụ, công tác để đảm bảo điều kiện về ở cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. “Một số cán bộ có đến 2, 3 nhà công vụ. Ở địa phương đã có, về trung ương lại làm đơn thống thiết xin cấp nhà. Khi không có chính sách cấp nhà thì một số nơi lại quay sang bán nhà, bán nhà bên ngoài từ 3 đến 5 tỷ đồng, nhưng bán cho cán bộ từ 300 đến 500 triệu dẫn đến bất hợp lý, bất công trong cán bộ và giữa cán bộ với người dân” - ông Nguyễn Viết Chức nêu.

Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ kết thúc vào ngày 15/3. Từ ngày 3/1 đến nay, sau 2,5 tháng toàn văn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)  được đăng tải để lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi các tầng lớp nhân dân, việc góp ý đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, góp phần phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến nay, toàn bộ 63/63 hệ thống MTTQ các tỉnh thành đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của MTTQ trong tham gia xây dựng pháp luật, đồng thời, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng Nhà nước ban hành dự án luật quan trọng này. Tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ - một trong những kênh tiếp nhận văn bản góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đến thời điểm này, đã nhận được hơn 2.000 ý kiến đóng góp.

Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến trưa 13/3 đã có gần 8.000 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến nhân dân của bộ…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo