Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo cần gắn liền với trách nhiệm, cơ hội

Quang cảnh tọa đàm về bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 13/11, Công đoàn Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, Trường đại học Sài Gòn, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Đại học Thể dục Thể thao TP và trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP phối hợp tổ chức tọa đàm về "Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo".

Theo đó, Luật bình đẳng giới tại điều 14 quy định nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng, bình đẳng trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo, trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Luật cũng quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm: quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Từ những yêu cầu trên, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch hành động về bình đẳng giới với 6 mục tiêu quan trọng gồm: tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học; thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và trẻ em gái trong tiếp cận giáo dục. Ngành cũng đặc mục tiêu đảm bảo các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới; lồng ghép giới vào hoạch định chính sách, lập kế hoạch và quản lý ngành giáo dục.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều về công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực GD-ĐT gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ. Các đại biểu cũng chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay trong quá trình triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành giáo dục nhằm góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách ứng xử giữa nam và nữ.

Điển hình tại Khoa mầm non trường Đại học Sư phạm TPHCM, bình đẳng giới hay còn được xem truyền thống của Khoa là ưu tiên cho các cô đứng lớp giảng dạy gần, chủ động chọn giờ lên lớp. Ông Nguyễn Anh Trường, Chủ tịch Công đoàn Khoa mầm non cho biết thêm, nhiều hoạt động học tập, sinh hoạt, giao lưu, vui chơi giải trí đều do các cô quyết định, tuy nhiên, các cô đều tham khảo với các thầy, hoặc sắp xếp để mọi việc đều thuận tiện và chu đáo nhất.

Tại Trường Đại học Sài Gòn, các thầy, cô giáo cũng có sự tương thân,  giúp đỡ nhau trong quá trình giảng dạy. Thực hiện bình đẳng giới tại trường cũng được cụ thể hóa bằng ngày 8/3 dành cho phụ nữ và ngày 3/8 cho phái nam; các thầy giáo trẻ, chưa có gia đình thường đến trường sớm để trông coi, quản lý phòng, ngược lại các cô cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên và tổ chức thay đổi ca trực…

Nhiều giáo viên cho rằng, bình đẳng giới trong GD-ĐT trong giai đoạn hiện nay cũng cần gắn liền với trách nhiệm, quyền lợi, vị thế và cơ hội cho dù đó là nam hay là nữ...

Trần Hoàng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo