Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Bộ GD-ĐT kiến nghị giao ngành giáo dục chủ trì trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên

* Năm 2018: chỉ tiêu sư phạm giảm mạnh

(Thanhuytphcm.vn) – Tháng 3-2018, vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây chỉ là một trong sự việc liên quan đến tuyển dụng, hợp đồng dư thừa giáo viên ở nhiều địa phương diễn ra trong thời gian vừa qua.

Từ tình hình trên, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về việc giáo viên hợp đồng dôi dư tại tỉnh Đắk Lắk. Từ vụ việc xảy ra tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cũng như tại một số địa phương khác trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên của các địa phương. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các bộ ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 nội dung. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương; xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Thứ hai, Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó điều chỉnh việc phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục: giao sở GD-ĐT/phòng GD-ĐT là cơ quan chuyên môn chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh/huyện trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên các cấp để đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên hợp lý theo đúng quy định và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các địa phương.

Sau báo cáo của Bộ GD-ĐT, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ trên cơ sở báo cáo, đề xuất về giáo viên hợp đồng dôi dư tại tỉnh Đắk Lắk của Bộ GD-ĐT.

Cũng liên quan đến vấn đề giáo viên, Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, tổng hợp nhu cầu của từng địa phương và năng lực từng trường, Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm năm 2018 còn 35.000. Như vậy, so với năm 2017 cả nước tuyển 52.000 chỉ tiêu, số lượng năm nay ít hơn 17.000.

Trong đó, đáng chú ý 4/6 đại học sư phạm trọng điểm quốc gia hạ chỉ tiêu so với năm 2017. Sư phạm Hà Nội tuyển 1.415 chỉ tiêu, giảm 21% so với năm trước; Đại học Sư phạm (Đại học Huế) giảm 37,5% ngành đào tạo giáo viên hệ đại học; Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) giảm 31,4%; Đại học Sư phạm TPHCM giảm 7,6%. Có 2 trường giữ nguyên mức tuyển so với năm trước: Sư phạm Hà Nội 2 với 1.220 chỉ tiêu và Sư phạm Đà Nẵng với 434 chỉ tiêu. Đặc biệt, việc giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm diễn ra ở các đại học địa phương, đơn cử Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) năm 2018 chỉ tuyển 88 chỉ tiêu đào tạo giáo viên hệ đại học, giảm 73% so với năm trước; hệ cao đẳng của trường cũng giảm từ 630 xuống còn 410 chỉ tiêu; Đại học Quảng Nam chỉ còn 120 chỉ tiêu sư phạm, giảm 58% so với năm trước; Đại học Cần Thơ giảm 46,3% chỉ tiêu sư phạm… Các trường cao đẳng sư phạm địa phương cũng giảm từ  45%-70%...

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo