Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cần thấy rõ tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề “Nhận thức - hành động - nguồn lực”. Hội nghị nhằm thảo luận, trao đổi về nội hàm, phương thức và thống nhất nhận thức, hành động; có các giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới.

Báo cáo đề dẫn tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực ít nhiều cũng được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Gần đây, nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông (trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh...) có nguyên nhân xuất phát một phần từ sự thiếu kinh nghiệm xử lý truyền thông hiệu quả từ phía các cơ quan hành chính nhà nước. Nhiều bộ ngành, địa phương chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm, báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Các mạng xã hội xuyên biên giới, với công nghệ hiện đại, tài chính dồi dào và lượng người dùng áp đảo đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát phân phối thông tin dựa trên phân tích dữ liệu người xem và các thuật toán để gợi ý nội dung phù hợp đến từng người sử dụng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình (VTV) Việt Nam Lê Ngọc Quang, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh chỉ rõ thực tế, nếu không có kinh phí thì rất khó khăn cho cơ quan báo chí. Để làm truyền thông chính sách, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan báo chí, đòi hỏi điều quan trọng là sự chủ động của chính các cơ quan chức năng, bộ ngành, địa phương và sự phối hợp giữa hai bên, cũng như cơ chế đặt hàng thì sẽ đạt hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, báo chí là phương tiện truyền thông. Còn công tác truyền thông là việc của chính quyền các cấp. Công tác truyền thông bao gồm việc đưa thông tin gì ra cho báo chí, lập kế hoạch truyền thông, bố trí ngân sách cho truyền thông. Từ trước đến nay vẫn có sự nhầm lẫn là báo chí làm công tác truyền thông và vì thế, chính quyền các cấp không làm công việc này. Do vậy mà hay xảy ra khủng hoảng truyền thông của các cấp chính quyền. Báo chí khi làm tuyên truyền thì thiếu thông tin từ chính quyền, cũng thiếu cả việc đặt hàng từ chính quyền. Tức là báo chí thiếu cả thông tin và ngân sách để làm tuyên truyền. Theo Bộ trưởng, cần nhận thức lại về công tác truyền thông, theo đó công tác truyền thông là một việc, một chức năng rất quan trọng của chính quyền các cấp. Chính quyền các cấp phải có bộ phận chuyên trách làm công tác truyền thông. Các tỉnh thành muốn giao chức năng này về sở TT-TT thì phải bổ sung chức năng, nhân lực, kinh phí để làm. “Tăng thêm cho truyền thông 0,2% ngân sách trong lúc này là cần thiết để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả về hạ tầng công nghệ và nhân lực” - Bộ trưởng đề xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác truyền thông chính sách Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác truyền thông chính sách

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cũng chia sẻ kinh nghiệm truyền thông chính sách trong tình huống khủng hoảng do dịch Covid-19. Khi TPHCM trở thành tâm điểm dịch, TPHCM càng thấm thía vai trò của truyền thông. Do đó, TPHCM luôn ý thức tầm quan trọng với truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Thời gian qua, TPHCM đã thực hiện tương đối hiệu quả kế hoạch truyền thông, trong đó thực hiện tốt phương châm: chủ động, nhanh, đúng, đủ và trực tiếp.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những kết quả quan trọng mà truyền thông chính sách mang lại thời gian qua, đồng thời, cũng chỉ rõ nhưng tồn tại, hạn chế của công tác truyền thông chính sách hiện nay. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, thống nhất cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh của công tác truyền thông chính sách. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về truyền thông chính sách, là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Công tác truyền thông chính sách cần được tiến hành khoa học, bài bản.

Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác truyền thông chính sách, nhất là người đứng đầu. Chủ động làm tốt công tác truyền thông chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của bộ ngành, địa phương. Tăng cường thông tin chính sách; đẩy mạnh công tác truyền thông từ khâu đề xuất, soạn thảo chính sách, đến tổ chức thi hành, nhằm tạo đồng thuận xã hội và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Không nên quan niệm truyền thông chính sách là việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

 Thủ tướng yêu cầu, xây dựng đội ngũ nhân lực làm công tác truyền thông chính sách có năng lực, có chuyên môn, bảo đảm hoạt động chuyên nghiệp hiệu quả. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch…

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo