Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chính phủ có nhiều tiền thì vẫn phải tiết kiệm!

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, Người góp ý kiến về cách cắt may sao cho nhanh, tiết kiệm, bảo đảm chất lượng (8/1/1959). (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) – TS Nguyễn Văn Khoan trong cuốn Bác Hồ, viên ngọc quý của mọi thời đại (Nhà xuất bản Thanh niên, 2017) ghi lại câu chuyện do ông Nguyễn Thiện Ngũ, bí danh là Việt Thanh, người từng công tác ở Văn phòng Phủ Thủ tướng, kể lại: Sau năm 1954, nhiều đoàn đại biểu quốc tế đến thăm Việt Nam. Văn phòng Phủ Thủ tướng phải chuẩn bị nhà ở, phòng nghỉ, tuyển dụng đầu bếp, nhân viên phục vụ bàn, canh gác, bảo vệ. Một lần, Bác đến cơ quan giao tế ở nhà số 65 phố Quán Sứ để xem xét tình hình. Bác hỏi: “Các chú mua hai cái gương to này ở đâu và hết bao nhiêu tiền?”. “Dạ, thưa Bác, mua ở chợ trời, giá cũng...”. Bác nghiêm nét mặt nói: “Tại sao không mua gương vừa đủ soi? Mà sắm cái giường to này là rất lãng phí, chỉ nên sắm giường cá nhân thôi”. Chúng tôi thưa với Bác rằng khách châu Âu quen nằm giường to, đệm mút... Bác nói: “Là chú nghĩ như vậy. Ta mới kháng chiến thắng lợi, còn khó khăn, bạn hiểu, không đòi hỏi như thế. Các chú sắm giường cá nhân, làm đệm cỏ thôi”... Rồi Bác nói: “Chú tưởng Đảng và Chính phủ ta nhiều tiền lắm phải không?”…

Câu chuyện giúp chúng ta “ngộ ra” nhiều điều. Tinh thần tiết kiệm của Bác Hồ đã thể hiện nhất quán trong từng hoạt động, dù là với việc tiếp khách quốc tế. Mọi việc đều phải đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, đồng thời phải phù hợp với các điều kiện thực tiễn, nhất định không được phô trương, lãng phí. Đảng và Chính phủ dù là tổ chức lãnh đạo và quản lý đất nước, có nguồn lực không nhỏ nhưng không thể vì thế mà cho rằng có rất nhiều tiền, từ đó cán bộ, đảng viên có thể tiêu xài (cho việc công) rộng rãi, phung phí…

Có thể người nào đó sẽ nói: chuyện trên là ở thời kháng chiến, đất nước còn nghèo, chúng ta phải triệt để tiết kiệm, nay đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không cần phải tiết kiệm quá mức như thế, cần có hình thức phù hợp, nhất là trong tiếp khách quốc tế… Điều đó đúng nhưng cần vận dụng phù hợp. Như trong tiếp đón các đoàn khách quốc tế, chúng ta không được sơ sài mà thể hiện sự trọng thị cần thiết, đồng thời còn tạo hình ảnh đất nước đúng mực. Ngay cả các địa phương khi tiếp khách của địa phương khác cũng nên thể hiện sự tươm tất, chu đáo, miễn là không phô trương, không lãng phí…

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không tiết kiệm. Bác Hồ từng nói: Sản xuất mà không tiết kiệm chẳng khác nào gió vào nhà trống. Dân gian thì đúc kết: Làm biếng ngồi ăn lở núi non. Các quốc gia giàu có hay những người giàu nhất thế giới thì cũng đều thể hiện rõ tinh thần tiết kiệm. Chẳng hạn, Nhật Bản là nước có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới nhưng từ Chính phủ đến người dân nước này đều tiết kiệm; trước đây cựu Thủ tướng Koizumi còn kêu gọi công chức “mặc quần áo gọn nhẹ” miễn sao lịch sự để tiết kiệm điện… Hay các tỷ phú hàng đầu thế giới đều có phục sức và sinh hoạt giản dị, tiết kiệm…

Hiện nay, đất nước ta ngày càng phát triển, đời sống của người dân và cán bộ, đảng viên đã được nâng cao đáng kể so với trước. Nhu cầu hưởng thụ và điều kiện hưởng thụ vì thế cũng tăng lên, đồng thời có cơ sở để thực hiện. Từ “ăn no” giờ đã thành “ăn ngon”, “ăn kiêng”; từ “mặc ấm” giờ đã thành “mặc đẹp”, “mặc hợp thời trang”; từ “ở có bao nhiêu” giờ đã thành “ở tiện nghi”, “ở thoải mái”… Nhiều người dân đã đi “siêu xe”, nhiều cán bộ đã dùng đồng hồ, điện thoại đắt tiền… Điều đó nên xem là bình thường nếu mọi người có nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng và xuất hiện ở nơi phù hợp, không nên vì thế mà đánh giá tư cách, phẩm chất.

Nhiều người còn nói đến việc xã hội phải thúc đẩy tiêu dùng để kích cầu, tức là hành vi tiêu dùng sẽ góp phần vào thúc đẩy sản xuất, từ đó mà thúc đẩy kinh tế phát triển. Mỗi giai đoạn kinh tế khó khăn, các chính phủ đều có giải pháp kích cầu nhằm tăng khả năng tiêu dùng, mua sắm, góp phần làm nền kinh tế tăng trưởng.

Tuy vậy, dù ở bối cảnh hay điều kiện nào, vấn đề tiết kiệm cũng cần được quan tâm đúng mức. Với điều kiện của nước ta, vẫn cần xem tiết kiệm là quốc sách. Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài chính ngày 10/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải có chính sách tài chính làm sao để nuôi dưỡng nguồn thu và phải tiết kiệm hơn nữa. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý thu chi ngân sách thì chi cần phải chặt chẽ, tiết kiệm hơn như siết chặt hơn các khoản chi cho hội nghị, lễ hội, khánh tiết, đi công tác nước ngoài để có nguồn chi cho lương, cho đầu tư phát triển. Thủ tướng cho rằng nếu tiết kiệm nhiều hội nghị, hội thảo… sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho xã hội. 

Hồi tháng 7/2021, khi thảo luận tại tổ trong chương trình nghị sự của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí năm 2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tình trạng lãng phí hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh, nói cần phải tiết kiệm nhưng chúng ta cũng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn; Thủ tướng đề nghị vừa phải giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật, kỷ cương mới có thể tiết kiệm một cách hiệu quả. Trong năm này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng chống Covid-19 và những đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra.

Đầu năm nay, ngày 6/1/2022, tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính phải cân đối thu chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, phải giảm những khoản chi không cần thiết. Thủ tướng yêu cầu: “Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng chứ không thể chi tiêu thoải mái được… Hoa tươi cho hội nghị vẫn quá nhiều. Sự xa hoa của một số ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp nhà nước vẫn còn. Ô tô công cũng vẫn còn nhiều. Chúng ta phải tiết kiệm hơn nữa”…

Với tiềm lực quốc gia hiện nay, so với thời kháng chiến, có thể nói nguồn lực của Đảng, của Chính phủ là không nhỏ. Nhưng nhu cầu để đầu tư các công trình dân sinh và các hoạt động phục vụ nhân dân vẫn rất lớn nên vẫn rất cần tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí của tất cả các cán bộ, đảng viên, của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở. Do đó, trong nhận thức và hành động của từng cán bộ, nhất là người lãnh đạo, vẫn phải luôn thể hiện rõ ràng tinh thần tiết kiệm, từ mua sắm, đầu tư công cho đến các chi tiêu. Đồng thời, cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình và cá nhân để làm gương cho mọi người.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo