Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Giám sát không được né tránh trách nhiệm

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu giám sát không được né tránh trách nhiệm

(Thanhuytphcm.vn) - Giám sát không được né tránh trách nhiệm. Nếu sau giám sát, đoàn giám sát không chỉ rõ được trách nhiệm những nơi để xảy ra lãng phí thì Quốc hội sẽ quy trách nhiệm đoàn giám sát. Đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi cho ý kiến vào Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 22/9.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bốn chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, nội dung giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, là nội dung được các cơ quan chức năng Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm, mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng nhất.

Hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được mở rộng thêm lĩnh vực chống tiêu cực với tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Trong khi đó, mặt tiết kiệm, chống lãng phí cũng là một nhiệm vụ rất lớn. Nước nào cũng chú ý đến mặt này. Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, thu nhập đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Nếu thực hành tiết kiệm được đồng nào thì sẽ mang lại ích lợi cho quốc gia từng ấy. Trong điều kiện khó khăn mà chúng ta không tiết kiệm được thì sẽ có lỗi với nhân dân”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra rằng, trong nhiều trường hợp, thiệt hại do lãng phí, không thực hành tiết kiệm còn lớn hơn cả hậu quả của tham nhũng. Do vậy, Đoàn giám sát cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, trở thành đoàn giám sát kiểu mẫu, tiêu biểu, xứng đáng với tính chất quan trọng của chuyên đề giám sát. Nếu đợt giám sát này đạt được mục tiêu đề ra, sẽ cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tạo thành “hai mũi giáp công” để giải quyết những khó khăn, cũng như huy động, phân bổ, sử dụng được những nguồn lực của quốc gia cho phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Đoàn giám sát bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và số liệu thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để giám sát tổng thể cho cả giai đoạn 2016-2021. Qua công tác giám sát, cần đưa ra những đánh giá, phân tích thấu đáo, cập nhật bổ sung những tình hình mới. 

Nêu rõ phạm vi giám sát lần này, tuy đã khu biệt về lĩnh vực công, song vẫn còn rất rộng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần lựa chọn trọng tâm, trọng điểm giám sát, như giám sát nguồn lực tài nguyên, đặc biệt là đất đai, trong đó cần chỉ ra cả nước có bao nhiêu đất đã giao song chưa thu tiền sử dụng đất, bao nhiêu diện tích đất giao rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích, địa chỉ ở đâu, trách nhiệm thế nào, hay việc quản lý sử dụng đất nông, lâm trường cũng đang cho thấy những lãng phí lớn.

Giám sát lĩnh vực ngân sách, trong đó tập trung vào giám sát đầu tư công, gồm các khoản chi gián tiếp, đi công tác nước ngoài, lễ hội... Đây là những khoản chi vẫn còn nhiều lãng phí.

Theo dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và Đề cương báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày, phạm vi giám sát là tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công (không giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân) từ 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường

Nội dung giám sát tập trung 5 lĩnh vực, gồm: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực, dự thảo kế hoạch nêu cụ thể các nội dung trọng tâm, trọng điểm tập trung giám sát.

Qua giám sát, kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm; kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đoàn giám sát sẽ đưa ra những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường việc tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm sử dụng các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo