Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Còn nhiều băn khoăn về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) tranh luận tại phiên thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 25/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Tại điểm cầu TPHCM, đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Nguyễn Thiện Nhân.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có 4 chương, 29 điều quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án…

Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành với phạm vi hòa giải, đối thoại của dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án cơ bản đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, đó là tôn trọng sự định đoạt của các tổ chức cá nhân. Tuy vậy, các đại biểu còn nhiều băn khoăn về dự án luật và đề nghị quy định rõ “các chức danh tư pháp khác” quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật là gì và bổ sung thêm đối tượng thanh tra viên vào tiêu chuẩn hòa giải viên. Theo đó, những người có thể được bổ nhiệm làm hòa giải viên để tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện, bao gồm: Thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên đã nghỉ hưu.

Cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị xem xét bổ sung quy định thu phí cho công tác hòa giải đối thoại, vì thực tế có những vụ việc hòa giải liên quan đến tranh chấp giá trị tài sản lớn. Nhiều ý kiến lưu ý việc cân nhắc áp dụng đối với cả những trường hợp tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, nhưng đương sự không lựa chọn khởi kiện mà lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Về việc thu, nộp chi phí hòa giải, đối thoại tại tòa án, đa số các đại biểu đề nghị quy định đối tượng chịu chi phí là các vụ việc dân sự có giá ngạch từ 100 triệu đồng trở lên hoặc có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên; các vụ án hành chính mà pháp nhân, cá nhân có yêu cầu về trách nhiệm dân sự. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nhà nước nên thu một khoản phí để bù lắp chi phí tổ chức hòa giải, đối thoại, chi phí chi trả cho hòa giải viên… Bởi có nhiều vụ việc không chỉ hòa giải một lần mà phải hòa giải nhiều lần. “Việc này, để mọi người có ý thức cân nhắc khi nộp đơn hòa giải, đối thoại.” - Đại biểu Phạm Văn Hoà nhấn mạnh.

Tranh luận tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết: sau khi nghiên cứu dự thảo và ý kiến của nhiều luật sư, đại biểu cho rằng việc ra đời chế định này phức tạp, liên quan tác động với nhiều lĩnh vực pháp lý khác nhau và có hậu quả pháp lý. Cụ thể, dự thảo có sự chồng chéo, xung đột với quy định của Bộ Luật Dân sự. Bên cạnh đó, dự thảo này chưa xử lý hết những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội. Để thận trọng, Quốc hội cần xem xét xử lý những đều phát sinh đã được góp ý và nghiên cứu thêm, trách trường hợp đã từng xảy ra ở các dự Luật khác, Quốc hội ban hành 1 hoặc 2 năm sau rồi, ách tắc trong thực tiễn phải đề nghị sửa đổi lại. Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Quốc hội cần cân nhắc và để lại dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ở kỳ họp sau để hoàn chỉnh hơn.

Một số đại biểu cũng đề nghị cần quy định những hành vi bị nghiêm cấm để luật được chặt chẽ hơn.

Quang cảnh phiên thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Quang cảnh phiên thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật. Đối với những đại biểu chưa kịp phát biểu ý kiến tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu gửi văn bản góp ý để Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp. Đối với các nội dung góp ý về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành; các nội dung liên quan đến hòa giải viên; vấn đề bảo mật thông tin trong hoạt động hòa giải, đối thoại… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

* Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo