Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Công bố 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua

Công bố 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 10 luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9. Các luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Thanh niên 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Xây dựng; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Cả 10 luật này đều có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, để đảm bảo tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, luật lần này bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, luật lần này quy định tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40% trong tổng số đại biểu Quốc hội. Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa XV sắp tới. Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành thực hiện thí điểm tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND. Việc thành lập Văn phòng này phải hoàn thành trước 1/7/2021. 

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, việc thí điểm hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND sau hơn một năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan chưa thực sự đáp ứng mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho ba cơ quan này. Việc này cũng chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng theo Nghị quyết 580 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Còn văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh…

Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, là thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự. Việc này góp phần đảm bảo đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung, các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng. Cụ thể, Luật quy định tại khoản 5 Điều 12 về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”. Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã giới thiệu về 3 luật có tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đó là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). 

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và đảm bảo đầu tư từ phía nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư PPP tại Việt Nam. Việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. 

Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: giao thông, lưới điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Luật PPP quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Luật PPP cũng thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

Cải cách đáng kể nhất trong Luật Doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, đó là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống". Luật cũng đã thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.

Luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Luật cũng hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ. Cải cách của luật còn hướng đến nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Luật cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và đảm bảo tính minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo