Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 9/5, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” theo hình thức truyền hình trực tuyến tại 96 điểm cầu và truyền hình trực tiếp. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ gồm: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; các Hiệp hội ngành, nghề, đông đảo cộng đồng DN, hộ kinh doanh cá thể trong cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; đại diện các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp TP, hội ngành nghề, DN trên địa bàn TP.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chúng ta đang ở thời khắc mang tính chất bước ngoặt mới của lịch sử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia trên thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra. Đại dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế. Cụ thể, trên phương diện kinh tế, đại dịch đã tác động đến hoạt động của nền kinh tế từ cung đến cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không đến du lịch, từ nội thương đến ngoại thương, từ các ngành thâm dụng lao động đến thâm dụng công nghệ,… Cho đến nay, những DN, Hợp tác xã, hộ cá thể, các DN nhỏ, siêu nhỏ tham dự hội nghị này là những DN có năng lực thích nghi tốt nhất. Tuy nhiên, có những DN khó khăn phải ngừng sản xuất, phá sản.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng âm, đánh dấu một cuộc suy thoái sâu nhất kể từ cuộc đại suy thoái từ năm 1930. Với Việt Nam, cuối tháng 3, Ngân hàng Thế giới dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2020. Trong Quý I vừa qua, Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82%, mức thấp nhất quý I trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng khá cao so với bối cảnh chung của thế giới. Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu “kép”, một mặt chống dịch, mặt khác vẫn duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với cải cách thể chế và cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và sớm bùng lên, trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ở lĩnh vực kinh tế, dù phải thực hiện lệnh cách ly xã hội và sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa thị trường ở nhiều nước nhưng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân đạt được ở các nước phát triển. Điều này cho thấy, Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường thế giới như nhiều ý kiến; đồng thời chứng minh rằng, năng lực nội sinh của kinh tế Việt Nam, cộng đồng DN Việt Nam là vô cùng to lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Trước khó khăn của đại dịch, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ khó khăn cho DN, người dân và nền kinh tế trong giai đoạn này. “Tôi cũng đã từng nói, khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế sẽ như chiếc lò xò bị nén lại và giờ là lúc phải bung ra” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: TTBC TPHCM Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: TTBC TPHCM

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung hơn nữa, khởi động nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%. Đồng thời, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Do đó, phải tập trung vào 5 mũi giáp công gồm: Thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành phải xắn tay vào, các địa phương phải trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN với tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển. Cán bộ, công chức phải được quản lý để chống lại sự tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó dễ cho người dân và DN. Đồng thời, phải sử dụng công nghệ thông tin tốt hơn trong quản lý điều hành.

Đối với cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ mong muốn DN phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán, sáng tạo và cần có niềm tin.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo