Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đề nghị chuyển quản lý giống cây trồng từ tiền kiểm sang hậu kiểm

ĐB Mai Sỹ Diến phát biểu thảo luận
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt.

Tờ trình của Chính phủ cho thấy, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD, có 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan. Hệ thống luật pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn hiện nay đã có các luật được ban hành như: Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp... do vậy, cần có sự thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Theo các ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), Phạm Văn Tuân (Thái Bình), việc ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết, phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động trồng trọt trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như hội nhập quốc tế; là hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho quản lý và kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất theo chuỗi, từ khâu giống cho đến bảo quản, chế biến.

Cho rằng báo cáo của Chính phủ đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch trồng trọt còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả dẫn đến chưa cân đối được cung – cầu, nông dân bị ép giá, thua lỗ; tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp còn chậm dẫn đến giá thành cao, sức cạnh tranh thấp là đúng thực tiễn ngành trồng trọt nước ta, ĐB Mai Sỹ Diến chỉ rõ Điều 6 quy định về chính sách của Nhà nước về trồng trọt không có một câu, từ nào quy định về chính sách để cân đối được cung – cầu, đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp nhằm khắc phục hai tồn tại đã nêu ra.

“Mà điều chưa được đưa vào dự thảo Luật lại gắn liền với mồ hôi, nước mắt, cơm áo, gạo tiền của người nông dân một nắng, hai sương, vắt kiệt sức lực để làm ra sản phẩm với giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, bị ép giá, thua lỗ mà ai ai cũng thấy trong thời gian qua” - ĐB Mai Sỹ Diến nói.

ĐB Mai Sỹ Diến cho rằng nếu xây dựng dự án Luật mới chú trọng quy định chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng để làm điểm tựa an toàn trong quản lý nhà nước về lĩnh vực trồng trọt thì chưa đạt mục tiêu của Luật là “nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế” như tờ trình của Chính phủ. ĐB Mai Sỹ Diến kiến nghị dự luật phải bổ sung đậm hơn về chính sách phát triển thị trường và quy định trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh về dự báo, thông tin, cảnh báo và định hướng về thị trường sản phẩm trồng trọt nhằm điều hành cân đối được cung – cầu sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt. Đảm bảo không để phát triển tự phát và sản phẩm trồng trọt phải được cung ứng đúng giá trị, có phần tích lũy cho nông dân; khắc phục tình trạng nông dân bị ép giá, thua lỗ. Đừng để được mùa thì thường xuyên mất giá, thỉnh thoảng được giá thì lại mất mùa.

Với quan điểm dự luật không phải là chìa khóa vạn năng tháo gỡ hết những vấn đề đặt ra trong sản xuất nông nghiệp hiện nay,  ĐB Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) cho rằng Luật khi ban hành sẽ tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực trồng trọt, giúp người nông dân thuận lợi trong tiếp cận chính sách hỗ trợ sản xuất, đồng hành cùng nông dân đối mặt trước những áp lực của thị trường nông sản ngày càng khó tính, tiêu chuẩn cao, cạnh tranh nhiều.

Theo ĐB Tạ Minh Tâm, cần luật hóa những thông tin thị trường, dự báo thị trường, chính sách liên kết tạo chuỗi giá trị; cụ thể hóa hơn quan điểm, chính sách đối với nông nghiệp hữu cơ. ĐB Tạ Minh Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đối chiếu nội dung dự thảo luật và các luật có liên quan để chỉnh sửa các quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như kinh nghiệm quốc tế.

Trước thực tế sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chủ thể sản xuất phần lớn là hộ nông nghiệp, hạn chế về nguồn vốn, năng lực quản trị , kỹ thuật, khả năng phán đoán, dự báo thị trường, ĐB Tạ Minh Tâm đề nghị cần tìm giải pháp hợp lý để khắc phục hiệu quả.

Từ phân tích người sản xuất sẽ là người quyết định lựa chọn giống cây trồng, những giống có đầu ra và có giá trị kinh tế cao, chứ không theo tiêu chí giống đó có được công nhận hay không, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công nhận hàng trăm giống cây trồng nhưng trong sản xuất, nông dân chỉ trồng rất ít giống cây tốt, có giá trị kinh tế cao, ĐB Phạm Văn Tuân nhìn nhận việc công nhận giống chỉ có giá trị tham khảo và đề nghị bỏ quy định công nhận giống cây trồng mà thay vào đó là quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng giống, chuyển quản lý giống cây trồng từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chỉ nên quy định quản lý những giống cây trồng chính là lúa, ngô là giống cây trồng chính, có cơ cấu lớn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, không nên quản lý tất cả giống cây trồng vì quy định này không thực tế, không cần thiết và cũng không thực hiện được. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần quản tốt chất lượng giống bán trên thị trường.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo