Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đề nghị giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã” nhằm bảo đảm tính ổn định, thống nhất

Đại biểu Vũ Anh Khoa góp ý dự án luật.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Dự án Luật HTX (Sửa đổi) gồm 12 Chương, 117 Điều, trong đó bãi bỏ 3 Điều, sửa đổi 71 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật năm 2012, cụ thể với những nội dung như: thành lập tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân (TCKTHTCTCPN); tổ chức quản lý TCKTHTCTCPN; tài sản, tài chính của TCKTHTCTCPN; thành viên, cơ cấu tổ chức của TCKTHTCTCPN cho từng loại hình HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX… Bên cạnh đó, quy định về chính sách về hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển…

Quang cảnh hội thảo góp ý cho dự án Luật Hợp tác xã (Sửa đổi). Quang cảnh hội thảo góp ý cho dự án Luật Hợp tác xã (Sửa đổi).

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng đề nghị giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã” nhằm bảo đảm tính ổn định, thống nhất trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có dẫn chiếu đến luật hợp tác xã. Nhiều ý kiến đề nghị Luật cần làm rõ qui định khi thành viên góp vốn bằng tài sản và đã chuyển quyền sở hữu tài sản cho HTX thì việc hoàn trả vốn cho thành viên sẽ thực hiện theo giá nào? Cơ quan nào thực hiện đánh giá lại tài sản? Trường hợp HTX phá sản, tài sản bị hư hỏng, thất lạc, bị bán thu hồi nợ... thì bảo đảm quyền thành viên như thế nào?

Một số ý kiến cho rằng, việc quy định tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia từ phần lợi nhuận trước thuế của HTX, Liên hiệp HTX và Liên đoàn HTX tại Khoản 2 Điều 60, với mức tối thiểu tương ứng 5%, 10%, 15% là khá thấp, không thể hiện được bản chất của loại hình TCKTHT có tư cách pháp nhân. Do đó, kiến nghị nâng mức tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia từ phần lợi nhuận của tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) có tư cách pháp nhân lên mức cao hơn.

Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảo. Đồng chí Hà Phước Thắng điều hành hội thảo.

Đối với huy động vốn, một số đại biểu kiến nghị xem xét nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép TCKTHT có tư cách pháp nhân được phát hành trái phiếu, để tạo sự bình đẳng giữa TCKTHT đối với các loại hình doanh nghiệp.

Về việc chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên của TCKTHTCTCPN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op Vũ Anh Khoa cho rằng không nên cho phép việc chuyển nhượng vốn giữa các thành viên của TCKTHTCTCPN theo Điều 154 dự thảo Luật. Theo đại biểu Vũ Anh Khoa, sẽ làm mất đi bản chất HTX của các TCKTHT. Việc cho phép chuyển nhượng vốn góp, sẽ làm cho TCKTHT hoạt động tương tự như loại hình công ty cổ phần. Vì vậy, không nên cho phép chuyển nhượng vốn tại các TCKTHT, mà nên giải quyết để các thành viên ra khỏi TCKTHT, khi không còn nhu cầu gắn bó; hoặc các tổ chức khác. “Nếu có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của TCKTHT và tự nguyện xin tham gia TCKTHT, thì có thể thực hiện đúng quy định của Luật và Điều lệ để được kết nạp thành thành viên của TCKTHT.”- đại biểu Vũ Anh Khoa nêu ý kiến.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo