Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Để người đưa đò hạnh phúc với sự nghiệp “trồng người”

Cô trò trong lớp học tại Trường Mầm non Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. (Ảnh: Thy Dương)

(Thanhuytphcm.vn) - Mỗi năm cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì chúng ta lại nghĩ về những kỷ niệm đẹp thời học trò, về thầy cô, tình bạn bè. Thầy cô đã tận tình dạy dỗ, hướng dẫn, giúp đỡ chúng ta có thêm kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp chúng ta vượt qua bao khó khăn trong cuộc sống. Thầy cô thường được so sánh ví như những người đưa đò.

Cuộc sống đổi thay, thời gian cứ lặng lẽ dần trôi qua, có những người thầy người cô chúng ta có dịp gặp lại để hàn huyên tâm sự, trao đổi về cuộc sống về công việc. Nhưng cạnh đó, cũng có những người thầy, người cô kính yêu đã về với thế giới người hiền, chúng ta không còn cơ hội gặp lại…

Ông bà ta có câu: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” hay câu: “Ngày nào em bé cỏn con/Bây giờ em đã lớn khôn thế này/Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao" hoặc câu tục ngữ: "Không thầy đố mày làm nên",… Và còn rất nhiều bài hát, câu thơ, hội họa nói về công lao của thầy cô, nhưng như thế vẫn chưa đủ để tri ân hết được công ơn, sự hy sinh to lớn của những người thầy cô đáng kính đã có nhiều đóng góp cho xã hội.

Thầy cô như những người cha, người mẹ luôn dõi theo từng bước chân của ta trên đường đời và luôn mong học trò thành tài, trở thành người có ích cho xã hội. Đôi khi chúng ta đã cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô nhưng những sự giúp đỡ, dìu dắt đó là cả một ân tình khó lòng đền đáp hết được.

Sinh thời Bác Hồ rất coi trọng sự nghiệp giáo dục, Bác có dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bởi thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối sự nghiệp, là nguồn lực và tương lai của đất nước. Do đó, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ để họ trở thành những công dân, những cán bộ đủ đức đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” luôn có vai trò hết sức quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân ta đặc biệt quan tâm.

Cuộc sống hiện đại ngày nay có nhiều mối quan tâm, vòng xoáy cơm áo gạo tiền chi phối cuộc sống xã hội nhưng tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc ta, cần được tiếp tục giữ gìn và phát huy. Niềm vui đơn sơ của các thầy cô đôi khi chỉ là học trò còn nhớ tới mình, mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam được các học trò đến thăm hỏi, ngồi lại tâm sự, nhắc lại kỷ niệm cũ, trao đổi về cuộc sống hiện tại và định hướng tương lai,… Chỉ giản dị như thế thôi cũng đủ để các thầy cô ấm lòng và cảm thấy hạnh phúc với sự nghiệp “trồng người” của mình.

Gần đây trên các phương tiện truyền thông đưa tin vẫn còn đâu đó xuất hiện hành vi bạo lực học đường, học trò đánh thầy cô, thầy cô phạt nặng học trò, con cái bất hiếu, ngược đãi cha mẹ,… gây nhiều bức xúc trong xã hội. Đó là những hành vi lệch lạc cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để tăng tính răn đe.

Cha mẹ, thầy cô luôn đặt niềm tin, hy vọng ở chúng ta nhiều nhất, và cũng là nguồn sức mạnh, động lực để phấn đấu giúp vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Biết ơn những người đã ngã xuống, hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước để từ đó càng thêm yêu quê hương yêu Tổ quốc mình, “Thờ cha kính mẹ”, “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” đều là những giá trị cốt lõi của đạo đức làm người, là nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn.

Minh Tiến


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo