Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Doanh nghiệp mong muốn chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn

Sản xuất tại Công ty TNHH Doolim Bình Chánh

(Thanhuytphcm.vn) - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhằm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp DN duy trì sản xuất kinh doanh. Điều này đã giúp cho DN có thêm niềm tin, nguồn động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, DN cũng mong muốn để chính sách đi vào thực tiễn cần phải được triển khai nhanh chóng và có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn, tín dụng, thuế

Trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị 11/CT-TTg đặt lên hàng đầu là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, Tổng Cục thuế đã có công văn 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Còn Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh, hiện nay, phần lớn DN đều gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ, Nhà nước có những chủ trương hỗ trợ DN như hỗ trợ về đóng BHXH; giãn nợ, giảm lãi suất của ngân hàng…. là rất đáng hoan nghênh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho rằng: Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, nhưng Nhà nước dành quỹ hỗ trợ DN ứng phó với tình hình dịch bệnh nhằm duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn, DN cảm thấy rất phấn khởi.

Còn ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn đánh giá: Với các chính sách hỗ trợ DN mà Chính phủ, Bộ, ngành triển khai sau khi dịch bệnh Covid - 19 xảy ra là rất kịp thời nhằm động viên, hỗ trợ DN giải quyết những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19.

Cần có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tiễn

Dù đánh giá cao những giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhưng đại diện các DN mong muốn để chính sách đi vào thực tiễn cần phải được triển khai nhanh chóng và có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tân Quang Minh phân tích: Những chủ trương mà Chính phủ, Bộ, ngành đưa ra là chủ trương chung và không phải DN nào cũng tiếp cận được. Chẳng hạn như vấn đề đóng BHXH, theo quy định với những DN nào số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra thì mới được tạm dừng đóng BHXH. Vậy với những DN đang gồng mình để duy trì hoạt động dù là lỗ (nhằm giữ và chia sẻ khó khăn với công nhân - NV) thì không được ưu đãi dừng đóng BHXH. Do đó, cần phải xem lại chính sách đã hợp lý hay chưa?. Bởi vì, hiện nay số tiền đóng BHXH hàng tháng có DN đóng hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC) Sản xuất tại Công ty Cổ phần bánh kẹo Á Châu (ABC)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng Giám đốc Công ty giấy vi tính Liên Sơn cho rằng: Liên quan đến chính sách ngân hàng, hiện nay, đối với những hợp đồng tín dụng cũ để ngân hàng thương mại điều chỉnh hạ lãi suất cho vay; điều chỉnh giãn nợ vay, thời gian trả nợ là rất khó. Bởi lẽ, với ngân hàng thương mại là một đơn vị kinh doanh nên với những hợp đồng đã ký kết rồi bây giờ làm phụ lục điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, kế hoạch thu của ngân hàng. Cho nên, chỉ có những hợp đồng tín dụng phát sinh mới có khả năng sẽ hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể, hiện nay, DN chúng tôi có liên hệ với ngân hàng nhưng ngân hàng không điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, giãn nợ vay với những hợp đồng vay cũ. Còn với những hợp đồng vay mới, trong giai đoạn hiện nay, các DN ngưng hoạt động, ngưng sản xuất nên không có nhu cầu vay. Vì vậy, DN đề nghị sau khi công bố hết dịch, các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển thì cần những gói giảm lãi suất cho vay, thời hạn cho vay kéo dài để DN duy trì nguồn vốn sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi trở lại sau thời gian bị “ốm” nặng.

Liên quan đến chính sách thuế như giãn thuế, thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng… ông Nguyễn Thái Linh cho hay: Nếu dựa theo công văn 897/TCT-QLN về việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 của Tổng Cục thuế thì các điều kiện để được giãn thời gian nộp thuế đưa ra là khó thực hiện được đối với DN. Theo tôi, nên chăng, với thuế giá trị gia tăng cần quy định tất cả DN giảm doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái thì cho DN giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng. Về thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm 50% cho các DN để DN giữ lại nguồn lợi nhuận (nếu có) giúp DN có sức để phục hồi, sản xuất kinh doanh.

Hải Liên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo