Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đổi mới giáo dục theo hướng nâng cao năng lực tư duy

Tiết thực hành của các học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) trong phòng thực hành STEM. (Ảnh minh họa: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Đại hội XIII của Đảng đã có những đánh giá thẳng thắn về những hạn chế, tồn tại của công tác giáo dục trong nhiệm kỳ vừa qua. Đó là “đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. (…) Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. (…) Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục "làm người", đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ”.

Vì vậy, trong phần phương hướng, ở mục “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, Đại hội XIII đã nêu các định hướng lớn: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam…”.

Có thể nói rằng, giáo dục của nước ta trong thời gian qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, so với sự mong đợi của nhân dân và đặt trong nhu cầu phát triển đất nước thì giáo dục vẫn còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều điều phải khắc phục. Chẳng hạn, vấn đề sử dụng các bài văn mẫu dành cho học sinh phổ thông là một thí dụ. Lâu nay, vì nhiều lý do, việc sử dụng bài mẫu được thực hiện một cách thụ động, máy móc, ít nhiều dẫn đến sự ỷ lại, lười biếng của học sinh, bởi nhiều em sẽ không còn suy nghĩ, không còn chủ động sáng tạo; bản thân giáo viên cũng ít năng động vì không cần nghĩ nhiều để cho ra những bài văn mới mà tận dụng “kho” bài có sẵn. Điều đáng ngại nhất không chỉ riêng ở những bài văn cụ thể hay ở môn Văn mà còn có thể hình thành một thói quen, một nếp nghĩ, là sự thụ động, dựa dẫm hoặc không tích cực đào sâu suy nghĩ. Nhiều người hẳn nhớ câu nói của nhà triết học người Pháp Réne Descastes: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”, để khẳng định sự tồn tại của một người (về mặt xã hội) là sự phải luôn tư duy để xử lý các vấn đề của cuộc sống chứ không phải bắt chước, làm theo hoặc hành động để bị hòa lẫn trong số đông.

Bên cạnh đó, cách truyền đạt một chiều có thể tác động đến sự hạn chế về ý thức và năng lực phản biện mà dễ nghe theo một cách thụ động, chấp nhận áp đặt, kể cả khi có sai trái. Đôi khi, chính tâm lý này đã dẫn đến việc “chạy theo số đông”, tưởng như điều gì có nhiều người ủng hộ thì đều đúng đắn. Đặc biệt, khả năng độc lập suy nghĩ có thể bị hạn chế nên hay tin theo các lối mòn trong cách nghĩ, nhất là với các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn. Điều này đã từng xảy ra khi đồng loạt có nhiều người “ném đá” vào người khác chỉ vì tin theo một lời vu vơ nào đó hoặc chưa tìm hiểu đầy đủ ngọn nguồn của sự việc.

Ở bậc đại học, cao đẳng, tuy không có các bài văn mẫu nhưng hiện đang tồn tại một tâm lý là sinh viên hay lo lắng bài làm của mình “liệu có đúng ý thầy không” mà lẽ ra phải là “liệu có hợp lý không” hoặc “thực tế có đúng vậy không”. Cái “đúng”, cái “hợp lý” nên được xét ở góc độ bình diện xã hội, trên cơ sở đặt trong thực tế khách quan chứ không phải do một cá nhân quyết định. Vì lo sợ “không đúng ý thầy” nên lắm khi sinh viên theo lối mòn (nói lại những điều đã được mọi người nói hoặc mọi người đã biết) hoặc theo nội dung đã được truyền đạt (lặp lại lời đã được giảng) mà mất tính sáng tạo, phản biện, thậm chí không dám bộc lộ cái tôi cá nhân dù đã phát hiện ra có điều chưa ổn hoặc cần phải khẳng định quan điểm riêng của mình. Điều này hẳn ít nhiều có nguyên nhân từ cách dạy, cách học ở bậc phổ thông, cũng như liên quan đến cách dạy của người thầy ở bậc đại học là rao giảng một chiều, áp đặt, nặng nề sách vở mà lẽ ra phải là gợi mở, định hướng, dẫn dắt để người học suy nghĩ.

Học sinh TPHCM học trực tuyến trong học kỳ I năm học 2021 - 2022. (Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn) Học sinh TPHCM học trực tuyến trong học kỳ I năm học 2021 - 2022. (Ảnh minh họa: Phunuvietnam.vn)

Thực tiễn đó cho thấy, một trong những giải pháp đổi mới giáo dục là phải nâng cao năng lực tư duy của người học. Đó là đổi mới từ quan điểm giáo dục (triết lý giáo dục), chương trình giáo dục, sách giáo khoa cho đến cách thức truyền đạt, cách kiểm tra, đánh giá… Phải thực sự lấy người học làm trung tâm như các định hướng về giáo dục gần đây của Đảng đã nêu ra; yếu tố trung tâm đó thể hiện ở việc xem người học là mục tiêu của giáo dục và đáp ứng hợp lý nhu cầu của người học, trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể, nhóm cá thể (gắn với vùng miền, địa phương, lứa tuổi…), chứ không đánh đồng tất cả để dùng chung một phương pháp. Tức là, cần quan tâm năng lực, điều kiện của từng người học để có cách dạy phù hợp.

Đặc biệt, trong cách dạy là nên gợi mở để người học chủ động và độc lập suy nghĩ chứ không phải “mớm” sẵn các kiến thức. Chẳng hạn, trong sách giáo khoa hiện nay hay có phần “đại ý” mang tính khái quát nhưng cũng ít nhiều “đóng khung” kiến thức, cần được điều chỉnh theo hướng gợi mở để người học tự mình đúc kết trên cơ sở sự giúp sức của giáo viên. Như trường hợp bài “Chia bó đũa”, vốn được dạy theo hướng phải đoàn kết để tạo nên sức mạnh. Điều đó đúng nhưng không phải chỉ có nhiêu đó, mà có thể hiểu ở các góc độ khác: chia các việc khó lớn thành các việc khó nhỏ để giải quyết lần lượt; hoặc khi gặp kẻ thù mạnh hơn nhiều lần thì phải biết làm chia rẽ chúng để đối phó từng đối thủ… Đồng thời, phải gợi ý thêm góc nhìn nữa, để tránh từng chiếc đũa bị bẻ gãy thì phải phối hợp với nhau, hòa nhập với nhau nhưng phải đấu tranh với trường hợp kẻ vô dụng vì ở lẫn trong một tập thể mà vẫn thụ hưởng thành tựu chung của tập thể đó dù không có đóng góp gì…

Đổi mới giáo dục là một vấn đề lớn, phải thực hiện dài lâu, đồng bộ bằng nhiều giải pháp vĩ mô. Trong rất nhiều giải pháp, có lẽ những giải pháp về nâng cao năng lực tư duy cho người học cần được quan tâm nhiều hơn, không chỉ liên quan trực trực tiếp đến phương châm “lấy người học làm trung tâm” mà còn vì hướng tới việc góp phần xây dựng lớp người mới trong bối cảnh mới.

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo