Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đồng chí Võ Văn Kiệt “Miền Đông gian lao mà đi trước”

Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo trong chiến dịch mùa khô năm 1973

Đến Miền Đông gian lao, Mã Đà sơn cước anh hùng tụ

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp ngày 23/1/1961 về tổ chức và nhiệm vụ của Trung ương Cục miền Nam, thay cho Xứ ủy Nam bộ là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Trung ương thường xuyên do Bộ Chính trị thay mặt chỉ đạo. Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 10/1961, Hội nghị lần thứ nhất chính thức thành lập Trung ương Cục miền Nam được tổ chức long trọng tại Mã Đà (Chiến khu Đ).

Bí thư Khu ủy - đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định là Ủy viên Trung ương Cục, kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (1961 - 1970). Trở lại Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, TPHCM lần thứ 2 (1975 - 1982), với cương vị Bí thư Đảng ủy đặc biệt, Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy, miền Đông luôn gắn bó sâu đậm trên mọi chặng đường cách mạng, với tầm nhìn và tư duy chiến lược, đồng chí Võ Văn Kiệt đã không ngừng khẳng định: “Miền Đông gian lao mà đi trước”, từng bước được kiểm nghiệm từ thực tế phát triển của đất nước chúng ta.

Miền Đông của cả nước, đi trước vì cả nước

Trước tình hình khan hiếm năng lượng, từ năm 1978, đồng chí Võ Văn Kiệt đã vận động Liên Xô viện trợ một phần không hoàn lại cho công trình ngoài kế hoạch Nhà nước: “Dự án thủy điện Trị An” huy động sức dân khởi công vào tháng 9/1985 đến tháng 9/1989, 4 tổ máy lần lượt vận hành, một kỷ lục về thời gian thi công và sự đóng góp, nỗ lực của nhân dân đã cung cấp sản lượng điện rất quan trọng cho TPHCM và nhiều khu vực Đông, Tây Nam bộ. Đặt nền móng cho sự phát triển ngành điện cho cả nước những năm sau. Kế tiếp các dự án dầu khí ở thềm lục địa phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu). Mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất (TPHCM), công trình thủy lợi Dầu Tiếng dẫn nước Kênh Đông tưới tiêu cho hàng chục ngàn héc-ta đất ở Tây Ninh, Bắc Sài Gòn,… đã tạo điều kiện cho miền Đông đi trước, vươn lên trong thời kỳ xây dựng và phát triển còn nhiều khó khăn.

Phát huy truyền thống, động lực phát triển của miền Đông

Cuối mùa mưa, đầu mùa khô năm 2001, cả nước vừa một năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 9 của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2000 - 2010). Lần đầu tiên, Đồng Nai cùng các tỉnh thành miền Đông long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm chiến đấu và xây dựng căn cứ địa Chiến khu Đ anh hùng tại ngã ba Bà Hào[2] thuộc Lâm trường Mã Đà - nay là trụ sở khu Trung tâm sinh thái, văn hóa, lịch sử Chiến khu Đ[3].

Khu rừng miền Đông ở địa bàn Đồng Nai hơn 100 ngàn héc-ta, sau những năm được từng bước phục hồi, đặc biệt năm 1997, được sự đồng ý của Chính phủ, Đồng Nai đã chính thức “đóng cửa” rừng của 3 lâm trường Vĩnh An, Hiếu Liêm, Mã Đà, đồng thời, chủ trương trồng thêm 10.000 héc-ta cây sao, dầu và một số loại cây bản địa, đã phủ xanh bạt ngàn những cánh rừng bị bom đạn, chất độc da cam hủy diệt trong cuộc kháng chiến khốc liệt gian khổ.

Sau những năm tháng rời chiến khu về Thành phố, thực hiện nhiệm vụ mới, xây dựng quê hương. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các tỉnh phấn khởi có dịp trở về thăm Chiến khu Đ huyền thoại.

Đồng chí Võ Chí Công - nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục, nguyên Chủ tịch nước, nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy, Khu ủy, các đồng chí lãnh đạo các Tỉnh ủy miền Đông qua các thời kỳ… vui mừng trong ngày gặp lại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuổi cao sức yếu, lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng Chiến khu Đ, rất cảm động và phát biểu: Chiến khu Đ, một trong những chiến khu cùng với các chiến khu khác như: Củ Chi, Dương Minh Châu, Đồng Tháp Mười, U Minh,… là tiêu biểu cho tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; cho tinh thần chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng của mảnh đất Thành đồng Tổ quốc mà Hồ Chủ tịch đã tặng cho miền Nam.

Đặc biệt, trong buổi họp mặt truyền thống lịch sử này, đồng chí Tám Cao[4] thay mặt các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông qua các thời kỳ với tình cảm, sâu đậm tình đất, tình người ở chiến trường đầu sóng, ngọn gió, đã gửi gắm: Nếu trong kháng chiến - miền Đông gian lao mà anh dũng” thì từ ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng như anh Sáu Dân đã nhấn mạnh: “Miền Đông gian lao mà đi trước”[5]. Ở góc độ địa phương, chúng tôi, lớp cán bộ trưởng thành trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ rất vui mừng vì trình độ, năng lực có hạn, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, tự tin trước những ý tưởng tâm huyết của đồng chí Võ Văn Kiệt mở ra hướng phát triển mới của miền Đông, từ thực tiễn lãnh đạo công cuộc hàn gắn vết thương và hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và từng bước nghiên cứu, cởi trói tạo thế bung ra cho sản xuất, kinh doanh, đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Trên cương vị là Chủ tịch, Bí thư Thành ủy của TPHCM trước vai trò, vị thế chiến lược là trung tâm của miền Đông Nam bộ, là thành phố đông dân nhất cả nước, lo cái ăn, cái mặc, việc làm, đảm bảo an ninh, an sinh, trật tự xã hội, tháo gỡ nhiều việc khó khăn, phức tạp, hàng giờ hàng ngày không lường hết được của chính quyền non trẻ, đã tôi luyện thêm tinh thần năng động, sáng tạo, nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo và tinh thần yêu nước của nhân dân Thành phố và miền Đông, trong đó vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng vào những thành công quý báu đó.

Trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố, trong điều kiện đất nước thống nhất, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được thiết lập, đặc biệt tổ chức hành chính Nhà nước hình thành, từng bước hoàn thiện vận hành thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Quản lý hành chính theo địa giới đã xác định trách nhiệm và thẩm quyền của chính quyền theo luật định. Vì vậy vượt qua những quy định để tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng năng lực của Thành phố, kết hợp với tiềm năng của các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ, biến tiềm năng thành sức mạnh hỗ trợ cho Thành phố và toàn vùng là những trăn trở, suy nghĩ và hành động của đồng chí Sáu Dân.

Đây là việc không đơn giản, nhưng phải gắn bó với nhau và phải gắn bó với cả nước trong một cơ cấu phát triển thống nhất, cột chặt vận mệnh với nhau như trong chiến đấu, cùng nhau hiệp đồng đúng lúc, cùng nhau “chia lửa” kịp thời[6]. Khái quát, đúc kết, rất sống động từ những bài học xương máu trong hai cuộc kháng chiến; để trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa càng nâng cao thêm truyền thống đoàn kết, tinh thần hợp tác vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Khi ra Trung ương nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao, cùng tập thể Bộ Chính trị gánh vác đưa đất nước vượt qua hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” sau sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, từng bước phá thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, thiết lập chính sách ngoại giao đa phương “Việt Nam là bạn của các quốc gia trên thế giới” và “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”. Đồng chí Sáu Dân rất quan tâm theo dõi sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có vùng Đông Nam bộ.

Nhiều lần làm việc chung với lãnh đạo các tỉnh trong vùng và lãnh đạo từng tỉnh để thảo luận, tìm ra các giải pháp đã khai thác phát huy thế mạnh tiềm năng của từng vùng, liên vùng, liên tỉnh đối với tổng thể quốc gia, đặc biệt là trong thời kỳ đất nước đổi mới hội nhập và hợp tác quốc tế. Gắn kết quá khứ với hiện tại, dự báo triển vọng, niềm tin vào tương lai, ôn lại truyền thống thành công, thất bại để luôn rèn luyện ý thức, trách nhiệm bản lĩnh, trí tuệ trong giai đoạn mới của cách mạng; từ đó không được chủ quan, tự mãn, địa phương chủ nghĩa, hẹp hòi, khép kín. Đó là tâm huyết, tình cảm sâu đậm của lớp tiền bối cách mạng từ Nam Kỳ khởi nghĩa đến Nam bộ kháng chiến, từ mùa thu rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thống nhất non sông.

Đồng chí Sáu Dân nhắc lại: “Miền Đông gian lao mà anh dũng” đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Tổ quốc. Ngày nay, thực hiện sự nghiệp đổi mới của đất nước với những thành tựu và kinh nghiệm của các tỉnh, thành miền Đông trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, hợp tác quốc tế “Miền Đông gian lao mà đi trước”[7]. Từ thực tiễn phong phú, sinh động, đã tiếp tục giữ vững truyền thống vẻ vang của hào khí miền Nam Thành đồng Tổ Quốc, nhưng chúng ta không được chủ quan. Đồng chí Sáu Dân tâm sự những khó khăn do chế độ cũ để lại khó, nhưng chỉ vài năm là giải quyết được, nhưng những vướng mắc do các chính sách mới gây ra thì phải mất nhiều năm mò mẫm bó tay[8]. Về mặt khách quan lẫn chủ quan trong hướng phát triển chung của đất nước, miền Đông Nam bộ có nhiều thuận lợi và tiềm năng phát triển so với một số vùng trong cả nước; đặc biệt là không gian phát triển của khu vực đối với vùng Đông Nam Á và một số trung tâm quốc tế ở khu vực. Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần quan tâm để vùng Đông Nam bộ thực sự là đầu tàu, động lực phát triển đồng bộ bền vững, tạo bước đột phá đi trước để thúc đẩy hỗ trợ nhau phát triển. Phải quan tâm đến các vùng, địa phương còn khó khăn nhưng phải tập trung cho vùng chiến lược đi trước, rút kinh nghiệm để bổ sung chủ trương, chính sách, pháp luật trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế.

- Chuyện nước là chuyện chung, chuyện nước không chỉ riêng ai trong kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ ở chiến trường B2.

Trong những lần tâm tình của những người lính già đầu bạc, thường kể chuyện Nguyên Phong, nhưng đối với bác Sáu Dân, không dừng lại chuyện xưa ám ảnh vì hào quang quá khứ mà luôn trăn trở, đồng hành nhập cuộc với tâm thế hành động vì đất nước, vì dân.

Chính cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, từ tuổi thiếu niên chỉ biết đọc, biết viết, làm thuê, ở mướn, tự học, sớm giác ngộ cách mạng trở thành Bí thư Chi bộ xã, Huyện ủy viên tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở quê hương Vũng Liêm anh hùng, đã trải qua nhiều nhiệm vụ quan trọng ở các tỉnh Tây Nam bộ (1941 - 1957). Do yêu cầu nhiệm vụ, từ 1970 - 1973, đồng chí Sáu Dân trở lại miền Tây giữ chức Bí thư Khu ủy Khu 9, Lãnh đạo quân - dân Tây Nam bộ đánh bại kế hoạch giành dân, lấn đất của Mỹ - ngụy sau Hiệp định Paris, bảo vệ an toàn vùng giải phóng. Từ thực tiễn chiến trường Khu ủy Khu 9 đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt “chấp nhận kỷ luật, không để địch giành đất, giành dân, phá hoại Hiệp định”, Trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam từ phê bình Khu ủy đã ủng hộ và chỉ đạo toàn Miền học tập để đánh bại âm mưu “lấn đất, giành dân” và Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy. Hai lần đi và trở lại chiến trường trên quê hương châu thổ, người con đồng bằng đã thắp sáng hoài bão, ước mơ, niềm tin thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa, giải phóng đất nước. Trong niềm vui, thắng lợi to lớn đó, riêng đồng chí Sáu Dân đã nén giọt nước mắt đau buồn vào lòng. Năm 1972, Võ Chí Dũng (Phan Chí Dũng) - người con trai cả thân yêu xin tổ chức về miền Nam chiến đấu. Anh xin cha trực tiếp ra chiến trường. Ngày 21/4/1972, người lính Giải phóng quân, con của đồng chí Bí thư Khu ủy đã anh dũng hy sinh trên quê ngoại Sóc Trăng thân yêu[9]. Chuyện nước, chuyện nhà thời bình nghe nhẹ tênh nơi cửa miệng nhưng trong chiến tranh cách mạng thử thách lòng yêu nước, bản lĩnh, phẩm chất trong sáng, tinh thần trách nhiệm của người lãnh đạo là tấm gương tiêu biểu cho ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định - TPHCM và miền Đông Nam bộ hơn 20 năm nghĩa tình gắn bó với đồng chí Võ Văn Kiệt.

Hàng giờ, hàng ngày đối mặt với hiểm nguy, nhiều gian nan thử thách nơi đầu sóng, ngọn gió của miền Nam Thành đồng Tổ quốc. 

Nhận nhiệm vụ Xứ ủy phân công, năm 1958 lên miền Đông, từ Tây Ninh nghiên cứu nắm tình hình, đề xuất đưa tỉnh Gia Định về khu Sài Gòn. Từ đó, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4) ra đời. Năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp làm Bí thư Khu ủy T4 đến năm 1970. Năm 1975 - 1981, lần thứ hai trở về trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy đặc biệt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn, ổn định tình hình kết thúc nhiệm vụ lịch sử Ủy ban Quân quản, đồng chí Sáu Dân trực tiếp giữ chức vụ Chủ tịch, Bí thư Thành ủy TPHCM. Năm 1982, tạm biệt Thành phố thân yêu với bao ân tình và kỷ niệm, nhận trọng trách của quốc gia và đất nước.

Có nhiều sách, báo, phim, ảnh, tài liệu lịch sử và kể cả quốc tế viết về cống hiến, đóng góp của đồng chí Võ Văn Kiệt trong 20 năm trực tiếp lãnh đạo kháng chiến ở T4 và xây dựng, phát triển TPHCM. Trong đó, nhiều giới, nhiều người hoạt động trên nhiều lĩnh vực, kể cả người dân bình thường có chung cảm nhận về đức tính hy sinh, quên mình “vì dân, vì nước” của đồng chí Sáu Dân. Vượt qua nỗi đau to lớn, vợ và 2 con thân yêu[10], đặc biệt cha chưa biết mặt con trai út khi cất tiếng khóc chào đời[11] thì đã mất trên sông Sài Gòn. Giữa trăm mối lo toan nơi chiến trường khốc liệt, địch thua đau trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt, địch vây ráp tập trung thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ, tìm và diệt, đẩy Khu ủy ra khỏi địa bàn, quyết tâm tiêu diệt Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh miền Nam, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam và Quân giải phóng miền Nam. Vừa tập trung chống càn của địch mùa khô năm 1966 - 1967 đánh vào Củ Chi và Bắc Tây Ninh, đồng chí Sáu Dân cùng lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và các phân khu chuẩn bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân, quyết tâm thực hiện thắng lợi lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, ý chí tiến công cách mạng, khí phách hào sảng, bất khuất của những người con Nam bộ đi trước về sau. 

Nhiều đồng chí cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng nội - ngoại thành từ Trung ương Cục, Quân ủy Miền, các Phân Khu ủy, lực lượng vũ trang đã dành những tình cảm trân quý, ấm áp trước ý chí, bản lĩnh vững vàng của đồng chí Sáu Dân đã tiếp lửa, thắp sáng niềm tin cho đồng chí, đồng đội, vượt qua nỗi đau riêng tiếp tục cuộc chiến đấu mới cho đến ngày toàn thắng.

Nhà Đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung ương Cục miền Nam Nhà Đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung ương Cục miền Nam

Có nỗi đau xé lòng, chồng chất những nỗi đau, có ngày thật dài trong những ngày chiến đấu máu lửa, có ngày tiễn đưa nhiều tiếc thương và tưởng nhớ Người ra đi … Và một vài công việc chung đối với miền Đông và TPHCM thân yêu mà bác Sáu Dân luôn trăn trở cần tiếp tục, như:

+ Xây dựng tượng đài kỷ niệm Nam bộ kháng chiến 23/9/1945, tiêu biểu cho tinh thần quật cường của miền Nam đi trước về sau, của Thành đồng Tổ quốc mà Bác Hồ khen tặng.

+ Xây dựng tượng đài thống nhất, kỷ niệm “Mùa Xuân đại thắng năm 1975”, cả đất nước thống nhất sau 30 năm kháng chiến gian khổ, hào hùng.

+ Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, bán đảo Thanh Đa, khu lấn biển Cần Giờ xứng tầm của TPHCM trong thời kỳ mới.

+ Tiếp tục nghiên cứu thực hiện các dự án bảo vệ Thành phố trước tình hình biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, chống ngập lụt.

+ Sân bay quốc tế Long Thành, năm 1977, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý nâng diện tích sân bay Long Thành từ 2.000 ha lên 5.000 ha, giao Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Đồng Nai, Tổng Công ty Cao su cắm mốc, bàn giao tỉnh Đồng Nai quản lý, đến lúc có điều kiện thì xây sân bay tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung thực hiện.

Nhớ câu chuyện đời thường trong bữa cơm gia đình ở chiến khu Mã Đà; Ông già làng Năm Nổi với bác Sáu Dân.

Năm 1997, Khu ủy miền Đông được khôi phục trùng tu và đón nhận bằng công nhận “Di tích Quốc gia”. Sau khi dự lễ, đồng chí Sáu Dân trao đổi với lãnh đạo các tỉnh, thành miền Đông quan tâm khảo sát tìm địa điểm căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại rừng Mã Đà. Vì đây là di tích lịch sử đặc biệt cần khôi phục, nơi làm việc của Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau. Nơi ra đời các ban trực thuộc Trung ương Cục và Quân giải phóng miền Nam (từ 1/1961 - 12/1962) sau đó chuyển về R (Tây Ninh).

Do địa hình nhiều thay đổi, sau gần ba năm tìm kiếm mới xác định được vị trí căn cứ của Trung ương Cục và các Ban; nơi thành lập Quân giải phóng. Tháng 3 năm 2003, tại đồi bằng lăng căn cứ Mã Đà, tỉnh Đồng Nai tổ chức thông qua hồ sơ dự án trùng tu khu di tích Trung ương Cục, địa phương, tổ chức bữa cơm thân mật với các loại thực phẩm của rừng, suối như: măng tre, lá tàu bay, củ chụp, bắp, cá lăng, tép, rượu đế Vĩnh Cửu. Bác Sáu rất vui vì đã tìm được vị trí căn cứ chính thức. Nhiều câu chuyện vui xoay quanh gian khổ ở miền Đông, kể cả chuyện tiếu lâm làm cho bữa cơm gia đình thêm ấm áp. Trên bàn lúc bấy giờ có bưởi Tân Triều tráng miệng, bác Sáu khen rất ngon. Anh Sáu Phương - Phó ban Chỉ đạo Trùng tu Căn cứ Di tích Trung ương Cục xin phép hỏi Chú Sáu về giai thoại “bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long”. Bác Sáu đồng ý, anh Sáu Phương kể lại: hàng năm gần Tết, bà con các tỉnh miền Tây chở lúa gạo, khô mắm lên bán ở miền Đông, chuyển về mua gạch ngói, gốm sứ, kể cả bưởi, măng cụt, sầu riêng có cụ lão nông ở Vĩnh Long mua một số nhánh bưởi về trồng, khi bưởi có trái chiến, lão nông đêm trăng rằm tháng tám, ngồi xem bưởi, uống trà; có anh nông dân hẹn với con gái ông, chui rào vào vườn bị ông chủ túm đầu; “Mày đi đâu?”, anh trả lời “Dạ, con ăn cắp bưởi”; “Vậy hả” - tao phạt mày năm roi, từ đây giai thoại bưởi “Năm Roi” ra đời. Nghe xong, chú Sáu bật cười: “Chú mày xuyên tạc quê tao”. Thấy trên bàn có dĩa bắp còn nóng hổi, chú Sáu hỏi anh Sáu Phương: “Đố chú mày, con heo khác con lợn ra sao? Anh Sáu chịu thua. “Con heo ăn bắp, con lợn ăn ngô””. Những nụ cười sảng khoái đời thường sau những năm “Quan nhất thời, dân vạn đại”.

Tháng 5/2020, tôi đến viếng thắp nén hương thơm cho bác Năm Nổi - người cán bộ già làng dân tộc Châu Ro qua đời ở tuổi 90 tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu. Bên tấm ảnh kỷ niệm bác Sáu Dân cùng chú Năm Nổi ì ạch đào củ mài ở đồi “Cũ Chụp” - căn cứ Mã Đà năm 2003; có một chai rượu sâm quý, trên có mảnh giấy ghi “Sáu Dân gửi cho già làng Năm Nổi”. Tôi nhớ lại Tết năm 2005, kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, chú Sáu Dân nhờ tôi chuyển tặng chai rượu nghĩa tình này cho bác Năm Nổi, chai rượu còn nguyên, kỷ niệm một vị lãnh đạo nặng nghĩa ân tình.

*

Trui rèn trong khói lửa chiến tranh nhân dân; sống, chiến đấu từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, trung với Đảng, một lòng vì nước, vì dân được thể hiện xuyên suốt trong các cuộc thử thách sinh tử, từ chiến trường Tây Nam bộ đến miền Đông gian lao mà anh dũng; lãnh trọng trách quốc gia mà Đảng và nhân dân giao, đã hình thành nên nhân cách lớn, phẩm chất nhân hậu, vị tha, ý chí quyết đoán và hành động vì nghĩa lớn của một nhà lãnh đạo quốc gia.

Lúc 7 giờ 40 phút, ngày 11/6/2008, trái tim bác Sáu Dân ngừng đập, 9 giờ sáng, ngày 15/6/2008, từ dinh Thống Nhất đến Nghĩa trang Thành phố, hàng chục ngàn đồng bào Thành phố, đứng bên đường tiễn đưa ông về lòng đất mẹ, với lòng tiếc thương và kính trọng “Ông Sáu Dân mãi mãi trong lòng dân”.

Năm nay, Trung ương, TPHCM và quê hương Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm quốc gia 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Chúng ta còn kỷ niệm 14 năm ngày bác Sáu Dân về với tổ tiên và các bậc tiền bối cách mạng. Chúng ta còn rất may mắn, hạnh phúc, sum vầy với con cháu, gia đình. Với tấm lòng hậu bối, đàn em, cháu, thành kính với nén hương thơm kính chúc hương hồn Bác Sáu, thím sáu Kim Anh, Chí Dũng, Ánh Hồng, Chí Tâm yêu quý sum vầy, đoàn tụ với người chồng, người cha nặng nghĩa nước non.

Lê Hoàng Quân
Nguyên Ủy viên Trung ương  Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

----------
[2] Là nơi đặt căn cứ lần thứ 3 của Khu ủy miền Đông T1 (mật danh Khu ủy sông Thao năm 1972 cho tới ngày miền Nam giải phóng).

[3] Đồng chí Võ Văn Kiệt đặt tên cho khu trung tâm này nhấn mạnh đất nước hòa bình xây dựng Chiến khu Đ trở thành Trung tâm sinh thái, văn hóa, lịch sử của miền Đông và đất nước.

[4] Đồng chí Mai Chí Thọ, nguyên Bí thư Khu ủy - Chính ủy Quân khu miền Đông (1961 -1965), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

[5] Đồng chí Mai Chí Thọ từ năm 1965 - 1975 đã về T4, tham gia cấp Ủy, Phó Bí thư, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, có nhiều gắn bó với đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Một số đồng chí Khu ủy T1 tham gia Khu ủy T4, gắn bó sống chết ở vùng chiến lược này.

[6] Thành phố Hồ Chí Minh của cả nước, vì cả nước - phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Đại hội đại biểu lần thứ 3 Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì cả nước có:

- 6 vùng kinh tế xã hội, trong đó vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước.

- 3 vùng kinh tế trọng điểm, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

[8] Nhiều tác giả, Ông Sáu Dân trong lòng dân, Nxb. Tri thức, 2008

[9] Có tài liệu ghi anh Phan Chí Dũng hy sinh ngày 21/4/1972 tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Rạch Giá (Nỗi đau của ông Võ Văn Kiệt - báo Tuổi trẻ - VN263675 htm). Năm 2005, gia đình đưa hài cốt anh về an táng tại quê ngoại Sóc Trăng.

[10] Giáp Tết 1966, vợ (cô Kim Anh) và con gái (Ánh Hồng), con trai (Chí Tâm) đi thăm bác Sáu ở Củ Chi, Tàu Thuận Phong bị Mỹ đánh bom, tàu cháy, hơn 300 người dân trên tàu chết, tất cả hài cốt không tìm được.

[11] Hài cốt của ba mẹ con hòa vào sông Sài Gòn ngọt mát, nơi người chồng, người cha yêu quý đang ngày đêm chống giặc cứu nước cứu dân.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo