Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Động lực mới trong thu hút vốn FDI

Hạ tầng khu đô thị Nam TPHCM như tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư từ những năm 1993 đến nay.

(Thanhuytphcm.vn) - Từ khi chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có hiệu lực (1/1/1988) đến nay, TPHCM luôn là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vị thế, khắc phục những hạn chế của dòng vốn quan trọng này, TPHCM cần phải có những đổi mới, sáng tạo và giải pháp cụ thể hơn. Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM giới thiệu đến bạn đọc loạt bài Động lực mới trong thu hút vốn FDI.

Bài 1: TPHCM dẫn đầu về thu hút vốn FDI

Những con số ấn tượng

Sau 30 năm thực hiện chính sách thu hút vốn FDI, đến nay trên địa bàn TP có 7.700 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,87 tỷ USD. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2018 (đến tháng 6/2018), tính chung cả vốn đầu tư thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và vốn thu hút qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, TPHCM thu hút được 14,4 tỷ USD.

Cụ thể, trong giai đoạn này TP có 2.547 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (chiếm 36,2%); công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 28,8%; tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy chiếm 14,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chiếm hơn 10%. Ngoài ra, TP có 525 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 2,14 tỷ USD. TP cũng chấp thuận cho 6.340 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 7,27 tỷ USD.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết: Kể từ thời điểm Luật đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước bắt đầu xuất hiện. Đến năm 2016, hình thức này bắt đầu tăng vọt, dần dần chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (năm 2015 chiếm 5,4%; năm 2016 chiếm 48,6%; năm 2017 chiếm 49%; ước năm 2018 chiếm 55%), trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI của TP.

Nhận định về vai trò của nguồn vốn FDI đối với TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: TP đánh giá cao những đóng góp quan trọng của doanh nghiệp nước ngoài đối với kinh tế - xã hội của TP. Từ chỗ chỉ đóng góp 11,3% GDP năm 1995, đến năm 2010 đã tăng lên 22,9% và hiện nay đang đóng góp 17% GRDP của TP. Đối với kim ngạch xuất khẩu, năm 1995, doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng góp 8,8%, thì đến năm 2010 đã tăng lên 23,9% và hiện nay là 55,9%.

Ngoài việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra phương thức sản xuất, phương thức phân phối, phương thức tiêu dùng hiện đại trong xã hội, doanh nghiệp nước ngoài còn tạo ra công ăn việc làm cho 270.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp; thúc đẩy quá trình chuyển dịch từ lao động thu nhập thấp sang lao động có trình độ hiện đại và thu nhập cao.

Theo UBND TPHCM, hiện tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mạnh về số lượng và vốn đầu ở các hình thức đầu tư; tập trung vào những lĩnh vực được các nhà đầu tư quan tâm như dịch vụ kinh doanh bất động sản, bán buôn - bán lẻ, dịch vụ khoa học công nghệ và dịch vụ du lịch. Do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao, khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất, với khoảng hơn 40% tổng vốn đầu tư. Sự năng động của nguồn vốn FDI đã giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP diễn ra với tốc độ nhanh hơn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết thất nghiệp…

Khu chế xuất Tân Thuận được đầu tư, phát triển từ nguồn vốn FDI. Khu chế xuất Tân Thuận được đầu tư, phát triển từ nguồn vốn FDI.

Phát huy hiệu quả lợi thế

Từ kết quả trên, có thể nói yếu tố đầu tiên không thể phủ nhận đó là TPHCM có vị trí địa lý và kinh tế - xã hội phát triển rất thuận lợi. Vai trò trung tâm của khu vực phía Nam, kết nối dễ dàng với các khu vực kinh tế quan trọng trong nước và khu vực Đông Nam Á. Có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, hàng không... đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Lý giải về lý do lựa chọn TPHCM là địa điểm đầu tư của mình, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho biết: TPHCM là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, là đầu mối kết nối kinh doanh, với khả năng cung cấp nhân lực chất lượng cao. Bà Trần Xuân Diệu, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Digi-Tex (Đức), phân tích: TPHCM là trung tâm kinh tế của cả nước. Cơ sở hạ tầng của TP hiện cũng đi đầu cả nước và các dịch vụ chăm sóc y tế, bảo hiểm, trường học và xã hội tốt để mọi người có thể tập trung công việc và phát triển. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp phát triển và thành công hơn. Mặt khác, TPHCM cũng dễ dàng thu hút đầu tư quốc tế và các nguồn cung ứng phong phú của doanh nghiệp, từ đó cùng nhau hợp tác và phát triển.

Theo lãnh đạo Công ty Swiss Post Solution Việt Nam (Thuỵ Sỹ), đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin tại Công viên Phần mềm Quang Trung, điểm cộng của việc đầu tư ở khu vực TPHCM đó là khả năng tiếp cận và tuyển dụng số lượng lớn nhân viên trong khoảng một thời gian ngắn cho các dự án và sự nhiệt huyết của lực lượng lao động trong công việc và nhiệm vụ được giao.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, sở dĩ thu hút vốn FDI của TP tăng là do nền kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao, môi trường đầu tư được cải thiện nên hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng nên cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư được TPHCM đặc biệt được chú trọng nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 4  ngành công nghiệp trọng yếu, 9  lĩnh vực dịch vụ ưu tiên và 7 chương trình đột phá của TP. TP cũng đã đón tiếp và làm việc với hơn 400 đoàn là Tham tán thương mại và Trưởng chi nhánh thương vụ Việt Nam tại các nước, các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới; các cơ quan, tổ chức xúc tiến cùng đoàn doanh nghiệp trong nước để trao đổi, hợp tác, đẩy mạnh giao thương hàng hóa cũng như hợp tác trong các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

Có thể nói, lãnh đạo TPHCM tích cực, chủ động gặp gỡ với nhà đầu tư, trong các cuộc tiếp khách đối ngoài, lãnh đạo từ cấp cao của các nước, các địa phương, nhằm giới thiệu các tiềm năng, gợi mở các cơ hội hợp tác, đầu tư tại TP. Trong các chuyến công tác, làm việc tại nước ngoài, lãnh đạo TPHCM cũng luôn chủ động giới thiệu, gặp gỡ các nhà đầu tư đã, đang cũng như dự định đầu tư vào TP. Các hoạt động cũng như cam kết của lãnh đạo TPHCM đã tạo niềm tin cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng rót vốn đầu tư vào TP.

Đinh Hoàng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo