Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Du lịch đường sông - Cần những định hướng sáng tạo, đột phá để phát triển

Ca nô chở khách du lịch trên sông. (Ảnh: Đình Lý)

(Thanhuytphcm.vn) - Với điều kiện tự nhiên gồm hệ thống sông ngòi, kênh rạch dài gần 1.000km kết nối với các vùng lân cận và biển Đông, đồng thời là trung tâm kinh tế lớn, điểm trung chuyển khách, TPHCM rất giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch đường sông (DLĐS). Trong 2 năm gần đây, tuy được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo TP về đầu tư, phát triển nhưng loại hình DLĐS vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.

Tại hội thảo khoa học “Phát triển sản phẩm du lịch đường sông tại TPHCM” do Trường Đại học Văn hóa phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức vào ngày 5/7, nhiều ý kiến, hiến kế được đưa ra nhằm đưa TP trở thành trung tâm dịch vụ hạ tầng về tàu thuyền du lịch, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần, tài nguyên thiên nhiên và tôn tạo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh, môi trường sinh thái.

Lượng khách và nguồn thu còn thấp

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, nhất là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch để khai thác tiềm năng của các tuyến sông, rạch nội đô cũng như từng bước kết nối với các tỉnh lân cận ở Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm này đã và đang đáp ứng phần nào nhu cầu của một bộ phận khách du lịch đến với TP. Ông Tô Tấn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist cho biết, DLĐS TP đang được chú trọng phát triển nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, nếu so với các loại hình du lịch khác của TP thì lượng khách và nguồn thu từ đây còn thấp trong khi đó quá trình khai thác gặp nhiều thách thức và chưa thực sự mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách.

TS Mai Hà Phương, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Văn hóa TP cho rằng sản phẩm đặc trưng mang tính biểu tượng của DLĐS ở TP vẫn còn hạn chế do chưa được khai thác sâu các giá trị văn hóa sông nước Sài Gòn xưa cũng như tiềm năng của TP văn minh, hiện đại ngày nay. Bên cạnh đó, cảnh quan đôi bờ dọc các tuyến kênh chưa tạo được điểm nhấn; môi trường nước trong các sông, kênh, rạch nhìn chung vẫn bị ô nhiễm khá nặng làm hạn chế việc khai thác không gian mặt nước cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao trên sông.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động DLĐS chưa đủ hấp dẫn du khách là do chưa có quy hoạch, định hướng và cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển loại hình dịch vụ này. Cạnh đó việc tổ chức hoạt động còn tự phát, chưa chuyên nghiệp như bến bãi, cầu tàu, quầy bán vé, điểm đón khách chưa được đầu tư hoàn chỉnh, các khu vực địa bàn lân cận quản lý còn chồng chéo giữa du lịch và giao thông đường thuỷ; các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ trên các tuyến đường sông còn quá ít và đơn điệu, đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo tốt dẫn đến chất lượng dịch vụ kém.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học Toàn cảnh Hội thảo khoa học

Điều chỉnh quy hoạch hợp lý

Với những thực trạng được đưa ra, các đại biểu đều thống nhất cần phải định hướng phát triển để loại hình DLĐS có thể được khai thác và đầu tư hiệu quả. Trong đó, TP cần xác định và lựa chọn thị trường mục tiêu đối với loại hình du lịch này gồm thị trường khách quốc tế và khách nội địa; đa dạng hóa và xây dựng mới các tour tuyến đường sông cũng như xây dựng bến tàu chuyên dụng với mức phí hợp lý. Cạnh đó, tùy theo đối tượng, nhu cầu của du khách và điều kiện của ngành du lịch để thiết kế những tuyến điểm tham quan phù hợp cho DLĐS ở TPHCM, việc khai thác tour ở chiều sâu các giá trị lịch sử - văn hóa sẽ tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách trong và ngoài nước.

Theo đại diện Sở Du lịch TPHCM, để TP hình thành được sản phẩm DLĐS chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thì cần đổi mới tư duy, lồng ghép yếu tố văn hóa vào du lịch để toát lên được nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn xưa, giúp đa dạng sản phẩm du lịch đường thủy của TP. Ngoài ra, TP cũng nên quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp, có nhiều chính sách để thu hút đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành khai thác tour đường sông.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với giải pháp trọng tâm đưa ra là việc quy hoạch, phát triển những tuyến tầm ngắn, tầm trung và tuyến nội đô trước, tuyến tầm xa làm sau. Tương tự, hạ tầng du lịch đường thủy phải đi trước, đảm bảo cảng bến, chất lượng môi trường nước, kết nối giao thông thủy - bộ rồi mới tính đến đầu tư phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó phải tích cực tuyên truyền ý thức cộng đồng làm du lịch ven bờ, nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp người dân hiểu được chính họ cũng được lợi rất lớn từ sản phẩm du lịch này. Điều chỉnh quy hoạch hợp lý thì du lịch mới phát triển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh của TP.

Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo