Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giải bài toán phát triển bền vững khi xuất khẩu vào các thị trường FTA

Các chuyên gia kinh tế tham gia và thảo luận tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/11, tại TPHCM, Báo Công thương tổ chức Hội thảo "Xuất khẩu vào các thị trường FTA: Giải bài toán phát triển bền vững".

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã tạo đà cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng hiệu quả hơn. Các DN Việt Nam đã tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.

Phân tích về mặt khó khăn này, bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu - Mỹ cho biết, khi tham gia các FTA, doanh nghiệp thường gặp các khó khăn về việc đảm bảo môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững khi sản xuất, một số thị trường thì gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp. Ví dụ tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn khi EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn.

Trong khi đó, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn, nhưng chưa có chiến lược xuất khẩu sản phẩm chế biến, hay organic, mà hiện nay chúng ta xuất thô hơn 80% cho các nước khác chế biến. Do đó, DN nên có chiến lược chuyển hướng sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu. Để làm được điều này các cơ quan chức năng phải hỗ trợ đồng thời phát triển thêm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, bên cạnh vốn, DN phải củng cố nguồn lực, phải đi theo tiêu chuẩn của thế giới để thâm nhập vào thị trường sâu hơn.

Từ thực tiễn và yêu cầu mới đặt ra từ các thị trường xuất khẩu, bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường; tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, vừa qua Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo