Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giảm thủ tục giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh

Quang cảnh phiên làm việc

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 37, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh Hải quan ASEAN để thực hiện Nghị định thư 7 về Hệ thống quá cảnh hải quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tạo thuận lợi và thúc đẩy hoạt động quá cảnh hàng hóa

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước thành viên ASEAN ký kết vào ngày 16/12/1998, với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ thực hiện khu vực thương mại tự do ASEAN và liên kết kinh tế khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp định khung quy định việc xây dựng và ký kết các Nghị định thư có liên quan, trong đó có Nghị định thư 7 về chế độ quá cảnh hải quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thông qua Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (gọi tắt là Hệ thống ACTS) là cần thiết. Điều này tạo cơ sở pháp lý để triển khai áp dụng hiện đại hóa hải quan đối với hàng hóa quá cảnh giữa các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, giảm thủ tục giấy tờ trong việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh...

Thảo luận tại phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu tình trạng một số loại mặt hàng gọi là quá cảnh để được hưởng các thủ tục quá cảnh, nhưng sau đó lại tiêu thụ trong nội địa, ví dụ như xăng, dầu.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thủ tục hải quan rất quan trọng. Kim ngạch xuất nhập khẩu mấy năm gần đây đều tăng gấp đôi GDP. Nếu việc này này bị thắt lại sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, gần đây có nhiều kiến nghị về cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đây đang là khâu rất tắc. Hải quan chỉ là đơn vị thực hiện, trong khi quy định, thủ tục của các ngành liên quan rất phức tạp. Việc hiện đại hóa hải quan, thực hiện điện tử hóa hải quan là rất quan trọng.

Về hàng hóa quá cảnh, tán thành với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga là thực tế đã diễn ra tình trạng khai hàng tạm nhập nhưng sau đó lại tiêu thụ trong nội địa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề kiểm soát, hải quan đã khởi tố nhiều vụ án về việc này, liên quan hàng hóa quá cảnh vào tiêu thụ nội địa. Vừa qua Hải quan đã tăng cường kiểm tra kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng hàng hóa vào trong nước rồi đi ra, kể cả tạm nhập tái xuất.

Rà soát lại việc xử lý tiền thuế nợ

Cũng tại phiên làm việc, Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Theo đó, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2018 là 81.618 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm 31/12/2017, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu ngân sách là 41.387 tỷ đồng, chiếm 50,7% tổng số tiền thuế nợ (số nợ do cơ quan thuế quản lý là 37.572 tỷ đồng, Hải quan quản lý là 3.815 tỷ đồng).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Trong số nợ đọng nêu trên, có 759.319 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, người nộp thuế gặp khó khăn bất khả kháng…

Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Tuy nhiên, do người nộp thuế đã chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản,… nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng theo thời gian. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng này đến ngày 31/12/2018 là 11.896 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

“Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của các đối tượng được khoanh nợ nêu trên”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.

Theo đó, dự kiến có 758.660 người nộp thuế thuộc đối tượng xóa nợ, với số nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đề nghị xóa là 10.562 tỷ đồng… Việc xóa nợ thuế nếu được thông qua sẽ thi hành kể từ ngày 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết, tuy nhiên cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật; cân nhắc, làm rõ việc xử lý tiền nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước bởi đây là pháp nhân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và hiện nay đang trong tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại nên việc khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế cần được xử lý trong quá trình cổ phần hóa.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo