Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hội thảo khoa học tập sách "Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1945 - 2015"

Các đại biểu tham  dự Hội thảo khoa học tập sách "Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1945 - 2015" (lần 1).

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/10, Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức Hội thảo khoa học tập sách "Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1945 - 2015" (lần 1). Đến dự có Thiếu tướng Lê Minh Thắng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7; Thiếu tướng Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; đại diện Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở Văn hóa - Thể thao TP, UBND huyện Củ Chi; lãnh đạo, chỉ huy Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi qua các thời kỳ và các đồng chí lão thành cách mạng của huyện Củ Chi.

Tập sách "Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi 1945 - 2015" do Đảng ủy - Bộ Tư lệnh TPHCM chỉ đạo nội dung. Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức thực hiện. Ban biên soạn gồm: Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc (chủ biên) và Đại tá Phạm Công Chững, nguyên Trưởng ban Khoa học Lịch sử Bộ Tư lệnh TP.

Kết cấu tập sách gồm 9 chương, giới thiệu khái quát về vùng đất, con người Củ Chi và truyền thống đấu tranh cách mạng quật cường của quân và dân Củ Chi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tập sách đi sâu nghiên cứu về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống địa đạo chiến đấu trên đất Củ Chi  - một công trình độc đáo trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của quân xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xứng danh quê hương Củ Chi "Đất thép Thành Đồng". Tập sách cũng đã phản ánh quá trình tôn tạo, hình thành và phát triển Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, một "Địa chỉ đỏ" lưu giữ và phát huy giá trị của di tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và trở thành một điểm tham quan nổi tiếng đối với du khách trong và ngoài nước.

Được hình thành từ năm 1947, Địa đạo Củ Chi là một công trình độc đáo với chiều dài khoảng hơn 200km đường hầm nhiều tầng, nhiều lớp, được kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông hào, công sự chiến đấu. Đây vừa là căn cứ, nơi bám trụ sinh hoạt, chiến đấu của quân và dân Củ Chi, vừa là nơi ém quân, xuất phát tiến công địch của các đơn vị Quân Giải phóng.

Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi hiện là một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM, gồm có 2 di tích là Địa đạo Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) - căn cứ của Khu ủy, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Địa đạo Bến Đình (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) - căn cứ của Huyện ủy huyện Củ Chi trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 2015, Địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt và Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều sự kiện lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của địa đạo Củ Chi và Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Nhiều ý kiến đề nghị bản thảo cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Khu Di tích; kết cấu và dung lượng giữa các chương cần cân đối. Một số tham luận nhấn mạnh: tập sách cần nêu bật được tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân Củ Chi "Đất thép Thành Đồng" và cân nhắc lựa chọn tựa đề của tập sách để thể hiện tính bao quát, chính xác.

Những ý kiến tham luận tại hội thảo là cơ sở để Ban soạn thảo tập sách bổ sung, hoàn chỉnh bản dự thảo để tổ chức hội thảo lần 2 vào tháng 12/2017, đảm bảo để tập sách xuất bản đúng tiến độ và đạt chất lượng cao.

Hồ Tấn Chí


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo