Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hội thảo quốc tế về Phật hoàng Trần Nhân Tông: Giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm

Toàn cảnh hội thảo

Ngày 6-12, tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa” nhằm kỷ niệm 760 năm ngày sinh và 710 năm nhập Niết Bàn của Ngài. Hơn 400 đại biểu trong đó có nhiều nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế tham dự.

Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông nhấn mạnh: “Hội thảo khoa học lần này mang nhiều ý nghĩa học thuật, văn hóa và tâm linh đặc biệt. Hội thảo nhằm gia tăng và làm sâu rộng thêm những hiểu biết và khám phá về Phật giáo Trần Nhân Tông và Trúc Lâm Việt Nam, làm cho những giá trị sâu bền, tinh hoa của những tư tưởng đó tiếp tục tỏa chiếu vô lượng hào quang cho nhân quần và chúng sinh. Đặc biệt, đây là một trong những chuỗi các hoạt động học thuật trong năm 2018 để kỷ niệm 760 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và 710 năm Ngài nhập Niết Bàn”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, hơn một chục năm qua, kể từ lễ tưởng niệm 700 năm ngày Ngài tịch diệt tới nay, giá trị tư tưởng và văn hóa của Ngài đã được người đời biết đến nhiều hơn cả trong và ngoài nước. Nhiều giá trị tư tưởng của ngài đã được phát hiện thêm và làm sâu sắc thêm.

Đồng tình với nhận định này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo VN đã thay mặt Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phát biểu về “những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm”.

Theo hòa thượng, hội thảo còn có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và ghi nhận những đóng góp to lớn về mặt tư tưởng và văn hóa của một bậc tiền nhân xuất chúng của dân tộc, một bậc chân tu liễu ngộ của Phật giáo Việt Nam, qua đó phát huy những giá trị nhân bản, nhân văn cao quý, giúp cho hàng Tăng lữ hậu học ứng dụng những tinh hoa tư tưởng Phật học của Ngài vào đời sống thực tiễn, từ đó nâng cao Phật chất trong các hoạt động Phật sự, góp phần phát triển bền vững GHPGVN trong tương lai.

“Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt. Có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam” - Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói.

Trong tham luận, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, PCT thường trực, Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng một lần nữa khẳng định: “Đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, sự ra đời của Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử đánh dấu bước quan trọng về mặt tổ chức và thống nhất tông phái Phật giáo và Phật hoàng Trần Nhân Tông chính là nhân vật có vai trò quan trọng trong việc đặt nền tảng đó. Vai trò của Phật hoàng không chỉ được tỏa sáng trong bối cảnh Phật giáo độc lập thống nhất thời Trần mà còn là bản hùng ca khải hoàn, bài học kịch sử cho GHPGVN trong quá khứ, hiện tại và mai sau…”.

Nhiều đại biểu cũng đưa dẫn chứng cho rằng Thiền phái Trúc Lâm vẫn giữ nguyên giá trị và có vai trò trong cuộc sống đương đại khi góp phần tạo nên xã hội ổn định, gìn giữ chuẩn mực đạo đức, lối sống, định hướng hành vi cá nhân, hành vi xã hội…

Cũng trong hội thảo, các học giả đã cùng góp thêm tư liệu quý báu phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về những giá trị tư tưởng, văn hóa đặc sắc của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm.

Theo SGGP

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo