Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Không chỉ tập trung phục hồi kinh tế mà còn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, chiều 18/10, HĐND TP tổ chức phiên thảo luận tại tổ về báo cáo tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng 9 tháng đầu năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội - an ninh - quốc phòng 3 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và các Tờ trình của UBND TP…

Cần có ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Thảo luận tại tổ, ĐB Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) nhắc lại trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần có hình thức tưởng niệm phù hợp. Cũng tại hội nghị lần thứ 9 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025, kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trước mắt thống nhất với đề nghị của Chủ tịch UBND TPHCM nghiên cứu đề xuất hình thức phù hợp để tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã chỉ đạo sở ngành xây dựng kế hoạch cụ thể gồm 2 tuyến. Tuyến tri ân lực lượng tuyến đầu, tổ chức cá nhân tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch vừa qua; tuyến tưởng niệm sẽ tổ chức các hoạt động để tưởng nhớ, chia sẻ với mất mát của người dân và tôn vinh, tri ân sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ. 

Trên những cơ sở này, ĐB Tăng Hữu Phong kiến nghị HĐND TP cần nghiên cứu, đề xuất có một ngày tưởng niệm chính thức đối với đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Thời điểm này là thời điểm phù hợp để  xem xét cần có ngày tưởng niệm. “Có thể chọn thời gian cụ thể một ngày, một buổi hay một chương trình. TP cũng nên lựa chọn địa điểm, không gian và biểu tượng cụ thể, phù hợp hoạt động, tính chất trang nghiêm của hoạt động tưởng niệm” - ĐB Tăng Hữu Phong đề xuấ.

ĐB Nguyễn Văn Rậm (quận Tân Phú) bày tỏ, khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn TPHCM, đã có sự hy sinh, mất mát rất lớn của đồng bào. Đối với cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh TPHCM, cán bộ, chiến sĩ không ngại khó ngại khổ. Vì vậy, TPHCM cần tiếp tục quan tâm chăm lo an sinh cho người dân. An sinh và an ninh đi liền với nhau.

ĐB Linh mục Martino Trần Quang Vinh (Quận 7)  bày tỏ, TP không chỉ lo cái ăn, mà yếu tố tinh thần rất là quan trọng, sức mạnh tinh thần có thể giúp vượt qua được những khó khăn. Chính quyền, MTTQ một số nơi đã đi thăm hỏi các gia đình có người thân qua đời do dịch Covid-19, đây là hoạt động rất ý nghĩa. Sự nâng đỡ tinh thần đối với người dân trong dịch Covid-19 là rất quan trọng. Các buổi đi thăm hỏi những gia đình có người thân qua đời đã xoa dịu rất nhiều đối với sự mất mát của người dân. Qua đó, người dân càng thêm tin ở chính quyền, tin ở tình người.

Cần quan tâm tuyến y tế cơ sở

Cũng thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu cho rằng trong điều kiện tác động phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, việc điều chỉnh về kế hoạch đầu tư công năm 2021 là cần thiết và nhằm đảm bảo tính hiệu quả của công trình, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế khu vực và liên kết vùng. Nhất là các dự án ngành y tế, giáo dục.

ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 5) cho rằng các trạm y tế công cộng, các tổ chăm sóc điều trị Covid -19 tại cộng đồng rất hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Và hiện nay, tuyến y tế cơ sở của TPHCM đang thiếu nhiều nhân viên y tế ở tuyến cơ sở. Tại TPHCM, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là nơi đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế của TP. Trong những năm qua, đã đào tạo theo đơn đặt hàng của TP. Do vậy, trong thời gian tới, TP cần tiếp tục đặt hàng trường để có nguồn nhân lực bổ sung cho y tế cơ sở tại TPHCM.

ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 5) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết (Quận 5) phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ

“Đây là trong những tuyến cơ bản để phục vụ người dân khi dịch bệnh xảy ra.”- ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết nhấn mạnh và cho rằng TP cũng cần đầu tư vật chất và con người đối với HCDC và y tế dự phòng của TP để ngành y tế xứng tầm với TP lớn.

ĐB Phạm Đăng Khoa (Quận 3) đề nghị TP cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thuốc chữa bệnh phòng, chống dịch Covid -19. Cần quan tâm đề công tác phòng dịch tại các chợ truyền thống và các tiểu thương cần tiêm đủ 2 mũi vaccine, thực hiện 5K. Đồng thời, cần rà soát và củng cố y tế ở cơ sở.

ĐB Phạm Đăng Khoa cho rằng hiện nay các địa phương đã thống kê danh sách trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và mong muốn TP sớm triển khai tiêm vaccine và thực hiện xây dựng lớp học xanh, trường học xanh để người dân yên tâm cho học sinh đến trường. Đồng thời, không nên phân biệt các loại hình trường kể cả trường có vốn đầu tư nước ngoài trong việc hỗ trợ giáo dục.

Tiếp tục vận dụng bài học đoàn kết, chung sức đồng lòng

Tại phiên thảo luận tại tổ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ, trong bối cảnh phòng chống dịch, đã nổi lên tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng tạo ra sức mạnh rất lớn để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bài học về đoàn kết, chung sức đồng lòng này không chỉ có giá trị lịch sử trong giai đoạn vừa qua. Vừa rồi trong hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên có nói, trong phòng chống dịch ai cũng cố gắng 200% sức lực.

Do đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TP tiếp tục vận dụng bài học đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực hết sức mình như giai đoạn chống dịch vừa qua. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm cách nào khai mở năng lượng này. Một trong những việc UBND TP chỉ đạo các ngành cách cấp đó là phải cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ. Chính quyền TP phải thực sự kiến tạo, lắng nghe và tháo gỡ từng vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp cũng tái cấu trúc đổi mới để phát triển hơn.

Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, trong giai đoạn khó khăn chúng ta đã nỗ lực vượt qua thì nay tiếp tục phát huy hơn nữa để phục hồi và phát triển kinh tế. Từ nay về sau, nếu như chính quyền các cấp, các ngành gỡ được điểm nghẽn về thủ tục hành chính thì chắc chắn tạo nên sự phát triển rất lớn. “Trong dịch Covid -19 vừa qua, nếu như không có nguồn lực từ các doanh nghiệp, từ người dân thì TP không lo nổi nguồn lực vật chất, bệnh viện dã chiến, xe cứu thương, trang thiết bị vật tư y tế… và kể cả an sinh cho người dân. Ngay khi ngân sách có sẵn cũng không thể mua được trang thiết bị nhanh nhất, kịp thời nhất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ chính quyền TPHCM có giải pháp, hành động để tháo gỡ, giải phóng các nguồn lực này” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng thừa nhận khi trải qua giai đoạn khó khăn nhất đã bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu kể cả kinh tế - xã hội. Do đó TP không chỉ tập trung cho các giải pháp phục hồi kinh tế mà còn tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; đồng thời kiến thiết lại đô thị, mà cụ thể là sắp xếp lại dân cư, nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp, người dân sống trong các khu nhà trọ, khu dân cư chật chội.

“Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, UBND TPHCM cũng đã giao cho Đại học Sư phạm TPHCM đồng chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai chiến lược chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho người dân sau dịch Covid-19” - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết và chia sẻ: Không chỉ dịch Covid-19 tạo ra những vấn đề tâm lý cho người dân, mà ở một đô thị lớn như TPHCM vẫn có những tác động đến tâm lý người dân như áp lực về việc làm… Đây là vấn đề chung của một đô thị lớn, do đó cần một giải pháp, một chiến lược chăm sóc sức khoẻ tinh thần, sức khỏe cho người dân TP thật cụ thể, thiết thực…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo