Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn

Thủ tướng kết luận cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tối 2-8.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 2/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với sự tham dự của đầy đủ các bộ ban ngành, địa phương trong cả nước.

Cần có giải pháp đặt biệt cho Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thành hai đợt. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã họp với các địa phương, hầu hết các địa phương đồng ý với phương án thi chung. Tuy nhiên, Quảng Nam và Đà Nẵng đề nghị xin lùi kỳ thi, hoặc dừng thi và xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh do dịch bệnh. Sau khi đã cân nhắc các phương án, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm là tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT làm hai đợt. Đợt 1 gồm những tỉnh, thành không nằm trong diện nguy cơ cao thì thực hiện thi theo kế hoạch. Đợt hai, những địa phương nguy cơ cao, như Đà Nẵng, Quảng Nam thì tổ chức thi khi sau. Những em học có nguy cơ nhiễm Covid-19 (thuộc diện F1, F2) chưa thể thi đợt 1 thì thi cùng đợt với các tỉnh có nguy cơ cao. Điều là để đảm bảo chất lượng và công bằng, minh bạch cho thí sinh. Bộ có chỉ đạo các trường xét vào đại học đảm bảo lợi ích tối đa cho các em, những thí sinh thi tốt nghiệp đợt sau vẫn được xét tuyển vào các trường đại học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Bộ GD-ĐT căn cứ tình hình thực tiễn chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo an toàn, đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học theo đúng quy định của pháp luật

Tại cuộc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu nêu một số kiến nghị với Chính phủ về chống dịch trong tình hình mới. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, Việt Nam đã bắt đầu vào làn sóng thứ 2. Làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào ngày 30/3 với 178 người nhiễm. Sau 99 ngày không phát hiện trường hợp nhiễm tại cộng đồng, từ ngày 25/7 đến nay, với làn sóng thứ 2, cả nước đã có thêm nhiều trường hợp mắc được ghi nhận, số người nhiễm đã cao hơn đỉnh dịch lần 1. Đây là tình huống rất mới. 

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, dự báo tới đây trong khoảng thời gian từ 23/8 đến 30/8 là nguy cơ rất cao. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt thì sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, tức cả nước sẽ có khoảng 970 người phải điều trị trong bệnh viện (hiện nay chỉ trên 200 người). Nếu không làm quyết liệt thì trong khoảng 1 tháng tới, Việt Nam sẽ vào diện quốc gia có dịch với các tiêu chí như công bố của WHO, do đó cần có những chủ trương hết sức quyết liệt.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề phải có mục tiêu kiềm chế như thế nào để hạn chế tình trạng gia tăng số người mắc? Bên cạnh đó, Hà Nội, TPHCM là 2 địa phương rất có nguy cơ. Từ 1/7 đến 27/7, đã có 140.000 người từ Đà Nẵng bay về TPHCM. Vì vậy, cần có giải pháp đặt biệt cho Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM, cũng như các tỉnh tỉnh giáp ranh với Đà Nẵng là Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk. Các địa phương này phải có biện pháp kiểm soát đặc biệt để không lây lan các ca nhiễm.

Riêng với Đà Nẵng, theo Bí thư Thành ủy TPHCM, với dân số hơn 1 triệu người, hiện nay Đà Nẵng đã có hơn 100 người nhiễm, tức là gấp 10 lần chỉ số 1 quốc gia có dịch mà WHO đã công bố. Do đó, cần xác định Đà Nẵng là một trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm. “Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác hiện đang ở ngoài cộng đồng, việc truy vết F0 đầu tiên là rất khó khăn. Do đó, Đà Nẵng phải áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn dịch ở Đà Nẵng”- Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, kinh nghiệm của TPHCM cứ 1 người nhiễm phải cách ly 280 người, nếu áp dụng chỉ số này cho Đà Nẵng với 100 người nhiễm thì cần cách ly 28.000 người, từ cách ly ở gia đình, quận huyện, cấp tỉnh, thành. Rõ ràng, không thể có chỗ cách ly cho 28.000 người ở cấp quận huyện, thành phố. Do vậy,  phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất. Đồng chí đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn Đà Nẵng cách ly tại gia đình, là cách ly người cần cách ly và toàn bộ gia đình, không đi lại nữa, như vậy mới ngăn chặn lây lan. Qua đó, chúng ta dự kiến năng lực điều trị của bệnh viện các cấp tại Đà Nẵng.

Sau phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đã trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ủng hộ TPHCM dừng một số dịch vụ không cần thiết như karaoke và hạn chế tụ tập đông người. Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng chưa cần thiết tiến hành giãn cách xã hội tại TPHCM.

Dịch sẽ càng lan rộng nếu không có biện pháp kịp thời, quyết liệt

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam diễn biến phức tạp. Dịch sẽ càng lan rộng nếu không có biện pháp kịp thời, quyết liệt, tinh thần là không được chủ quan, lơ là. Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị thay thế chỉ thị 16, 19 để phù hợp hơn với bối cảnh mới.

Thủ tướng yêu cầu phải chủ động hơn trong khoanh vùng dập dịch. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ biên giới, tăng cường quản lý cách ly. “Mọi biện pháp phải được đặt ra và sẵn sàng dồn sức vào những nơi trọng điểm để phòng chống một cách tốt nhất. Hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Tinh thần là thần tốc, kiên quyết, dồn mọi nguồn lực vào các ổ dịch, tranh thủ từng giờ từng phút để lấy mẫu xét nghiệm”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu bình tĩnh, chủ động, kiên quyết trên mọi mặt trận để ngăn ngừa có hiệu quả làn sóng dịch thứ hai; không để lây lan trên diện rộng, không để những ổ dịch mới khi phát hiện không được ngăn chặn. Chúng ta không được chủ quan nhưng cũng không hoang mang dao động, bị động. Tiếp tục tinh thần chống dịch như chống giặc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi người, mỗi ngôi nhà là một pháo đài. Chúng ta cần phải bảo vệ chính mình, gia đình mình và địa phương nơi mình cư trú.

Thủ tướng lưu ý, các địa phương chưa thuộc diện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có dịch, cần tính toán chặt chẽ trước khi quyết định. Không để xảy ra các ổ dịch tại các bệnh viện, phải bảo vệ nhân viên y tế một cách tốt nhất. Xử lý nghiêm những ai tung tin đồn gây hoang mang cho dư luận. Tiếp tục kiểm soát nhập cảnh kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh qua đường mòn lối mở. Kiểm soát chặt chẽ khu lưu trú. Khởi tố tất cả những trường hợp nhập cảnh và lưu trú trái phép, đặc biệt những đường dây nhập cảnh trái phép cho người nước ngoài vào Việt Nam.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo