Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Suy ngẫm – Góc nhìn:

Lãng phí sách giáo khoa

Phụ huynh chen nhau tìm mua sách giáo khoa lớp 1 năm học 2018-2019 tại Nhà sách và Thiết bị trường học Nguyễn Tri Phương, Quận 5 TPHCM. (Ảnh: Trương Ngọc)

(Thanhuytphcm.vn) – Mấy đứa nhỏ đã chính thức tựu trường, nhập học được gần chục ngày rồi mà anh chị Tư vẫn chưa thống nhất việc thanh lý tủ sách cũ của chúng.

Anh Tư thì cứ mỗi lần đi ra đi vào là “ngứa mắt” bởi cả tủ sách giáo khoa cũ của 3 đứa cháu chất kín trong tủ, cột thành chồng trên nóc tủ, kể cả đóng vào thùng giấy để dưới tủ. Gần như tuần nào anh Tư cũng càm ràm, bảo chị Tư gọi những người mua ve chai vào thanh lý cả kho sách cũ này.

- Chú Tám nhớ không, ngày xưa chúng ta đi học, một bộ sách giáo khoa học xong là để lại cho 2-3 đứa em, đứa cháu lứa sau học. Bìa sách được bao bằng giấy báo, giấy lịch, học mấy năm, sách ngã màu, rách, lấy cơm hoặc hồ nấu dán lại… Bộ sách bây giờ được in giấy tốt, màu sắc đẹp, mắc tiền,… Ấy thế mà…! – chị Tư lắc đầu, thất vọng.

- Hiện nay, mỗi năm, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan độc quyền về sách giáo khoa, phát hành hơn 100 triệu bản sách. Phần lớn sách giáo khoa chỉ dùng một lần, rồi mang vứt đi hoặc bán giấy vụn, lãng phí cả ngàn tỷ đồng! – anh Tư nói thẳng vào vấn đề bức xúc.

- Mỗi gia đình, có con em từ cấp tiểu học đến THCS và THPT, chỉ tính tiền cho bộ sách giáo khoa đã tốn khoảng 250-400 ngàn đồng. Chưa kể, mỗi học sinh còn mua thêm nhiều loại sách bài tập, sách hướng dẫn, đặc biệt tốn nhiều tiền nhất là hàng loạt sách tiếng Anh, đĩa CD, sách tin học,… có giá từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn/quyển. Điều đáng buồn là nhiều loại sách này cho học sinh làm bài tập trực tiếp trên sách, nên chỉ dùng một lần rồi bỏ!

- Có ý kiến cho rằng mỗi bộ sách tốn có vài chục ngàn, có gì phải "lăn tăn". Nhưng nhiều ý kiến khác thì phân tích sâu hơn, thực tế hơn do "góp gió thành bão": hàng năm, hơn 100 triệu bản sách giáo khoa thành giấy vụn, đồng nghĩa tốn kém hơn 1.000 tỷ đồng của người dân.

- Tôi nhất trí với lời nhận xét của một vị giáo sư, nguyên lãnh đạo một trường đại học lớn ở Hà Nội “cách làm sách như hiện nay chỉ là tiểu xảo để bán sách chứ không có ý nghĩa về mặt chuyên môn” – anh Tư tâm đắc. Ngoài ra, một tình trạng dễ nhận thấy là bấy lâu nay nhà xuất bản rất "chịu khó" đính chính và tái bản sách giáo khoa. Điều này khiến không ít người dân mình đặt câu hỏi: tại sao không sửa luôn một lần mà mỗi lần tái bản lại xuất hiện một vài lỗi. Liệu đây có phải "chiêu" để học sinh phải mua sách mới hàng năm?

- Chuyện đi học ngày xưa của chúng ta, học sinh được dạy rằng luôn phải giữ sách vở cho ngay thẳng, không được làm bẩn. Sau năm học, bộ sách ấy được gói lại kỹ để dành cho lứa đàn em sau học hoặc mang tặng các bạn vùng sâu vùng xa còn khó khăn,… Các em tặng sách cũng vui, các em nhận sách cũng phấn khởi. Các gia đình, phụ huynh cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể về sách giáo khoa - chị Tư nhắc lại.

- Người dân mình còn khó khăn, nhưng có tinh thần hiếu học, nên các nhà cải cách giáo dục – xuất bản, nên ngồi lại với nhau tính toán đưa ra chương trình cải cách sao cho lâu dài, tiết kiệm để bà con bớt khó khăn – anh Tư gửi gắm.

Tám Bờ Ga


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo