Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng

Đại diện các đơn vị ký kết ghi nhớ tham gia phối hợp triển khai thực hiện chương trình “Chắp cánh hàng Việt” giữa cơ quan quản lý nhà nước TP với các hệ thống phân phối.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 17/4, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM tổ chức tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu; Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân TP Nguyễn Thị Bạch Mai.

Xây dựng vùng cung ứng hàng hóa ổn định, đạt chuẩn

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, là đô thị lớn, TPHCM có quy mô dân số hơn 12 triệu người; TP là thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm lớn nhất cả nước. Dự báo, năm 2020, TP tiêu thụ gạo các loại trên 450.000 tấn/năm; rau củ quả các loại trên 1,9 triệu tấn/năm; trứng các loại khoảng 900 triệu trứng/năm, trong khi sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại TP chỉ đáp ứng từ 10 đến 15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh thành trong nước và từ ngoài nước... Do đó, vấn đề đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm là hết sức cấp thiết; đồng thời việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người dân TP rất quan trọng và phải có giải pháp căn cơ.

Về việc cung cấp thực phẩm sạch, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng đối với rau củ quả, trái cây, thịt, thủy sản nhu cầu tiêu dùng ngày càng nhiều, thường xuyên của người dân TP; gắn liền với cuộc sống hàng triệu nông dân. Vì vậy, cần có giải pháp để việc tiêu thụ nông sản được ổn định, hạn chế “giải cứu”; đồng thời việc xây dựng vùng cung ứng hàng hóa ổn định, đạt chuẩn cho TP là cần thiết. Ngoài ra, để khẳng định thương hiệu nông sản Việt và hướng đến vươn ra thị trường thế giới thì cần chuẩn hoá và nâng tầm hàng Việt. Cụ thể, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu, đóng gói bao bì, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic… và chỉ khi hàng hóa làm đúng chuẩn thì mới đưa được hàng vào siêu thị, kênh phân phối hiện đại.

Người dân TP mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (Ảnh Đình Lý). Người dân TP mua sắm tại hệ thống siêu thị Coopmart Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh (Ảnh Đình Lý).

Để thực hiện hiệu quả chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, nhà phân phối và các cơ quan chức năng của TP phải xác định nguồn “cầu” hàng hoá; còn nhà sản xuất và các địa phương bảo đảm nguồn “cung” hàng hoá ổn định, đúng số lượng và chất lượng. “Chương trình “Chắp cánh hàng Việt” chỉ thành công khi có sự liên kết chặt chẽ chuỗi nhà sản xuất, nhà phân phối, người tiêu dùng. Muốn vậy, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM và các tỉnh, thành cần kết nối, cung cấp thông tin, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm, kênh tiêu thụ để sản phẩm của người sản xuất luôn có đầu ra ổn định” - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Ngọc Hoà khẳng định.

Hình thành chuỗi liên kết

Cũng tại tọa đàm, PGS-TS Trần Tiến Khai, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và các tỉnh thành, cần phát triển mở rộng cung ứng thực phẩm với vai trò TP là địa phương dẫn dắt; các doanh nghiệp cần chủ động trong xây dựng và hình thành chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ hiệu quả, bền vững. Một giải pháp quan trọng khác là chính quyền địa phương các tỉnh, thành nơi sản xuất cần hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nông dân quy mô lớn để sản xuất cung ứng nguyên liệu đạt chuẩn an toàn thực phẩm; huấn luyện và kiểm soát tiến trình áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn; xây dựng các khu, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đồng hành với trách nhiệm xã hội để có sản phẩm bảo đảm sức khỏe và dinh dưỡng cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”. Toàn cảnh buổi tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt”.

Đại diện hệ thống phân phối Central Group – Big C Việt Nam Trần Văn Chương khẳng định: Big C Việt Nam sẽ đồng hành cùng TP trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tại các hội chợ, triển lãm; cam kết tiêu thụ, bao tiêu theo hợp đồng; chia sẻ dữ liệu xu hướng tiêu dùng của khách hàng và thị trường. Bên cạnh đó, Big C Việt Nam cũng liên kết phát triển các chuỗi giá trị bền vững, giúp người dân tiếp cận với nền thương mại hiện đại, cung cấp các sản phẩm với chất lượng cao hơn. Ngoài ra, hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xuất khẩu hàng hóa.

Dịp này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM tổ chức ký kết ghi nhớ tham gia phối hợp triển khai thực hiện chương trình “Chắp cánh hàng Việt” giữa cơ quan quản lý nhà nước TP với các hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa.  

Kết luận tại tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu mong muốn các nhà doanh nghiệp tiếp tục phối hợp các nhà khoa học để nghiên cứu, đưa ra những mô hình, các sản phẩm phải gắn kết với người nông dân, sản xuất và tạo thị trường ổn định, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới. “TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, qua đó giúp nâng cao ý thức của người tiêu dùng về khả năng sản xuất, kinh doanh chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ… của doanh nghiệp trong nước. TP cũng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước tìm kiếm và mở rộng thị trường; ổn định cung, cầu hàng hoá; tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất theo hướng an toàn, hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.
Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo