Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu phát biểu tại hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 13/5, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Trường Đại học Văn Hiến tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch Covid-19”.

Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng trong chuỗi sự kiện Ngày hội du lịch TPHCM lần thứ 18, đồng thời cũng là hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Trường Đại học Văn Hiến.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, TPHCM với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Nam, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện Thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp. Qua đó cho thấy cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành du lịch; nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo về nhân lực quản lý của ngành.

Với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành du lịch TPHCM đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn là chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng… xây dựng, thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin; Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ…

Các đại biểu tham dự hội thảo Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo đã quy tụ hơn 70 tác giả với hơn 55 bài viết từ 24 trường đại học; 7 cơ quan, doanh nghiệp và 3 viện nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch. Hội thảo tập trung thảo luận vào 4 vấn đề quan trọng: Phát triển du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 và phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Liên kết vùng phát triển du lịch; Liên kết vùng trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch; Phát triển các loại hình du lịch đặc thù.

Các diễn giả tập trung thảo luận các nội dung về việc định hướng giải pháp cũng như cách thức thực thi nhằm thúc đẩy phát triển ngành du lịch Việt Nam: nhận diện cơ hội, thách thức và các vấn đề phát triển ngành du lịch trong thời kỳ hậu Covid-19; tập trung các giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp, địa phương; ứng dụng công nghệ mới; định hướng và phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch…

Ngoài ra, Hội thảo còn đón nhận được nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành và khách sạn.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo