Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Luật Đất đai còn nhiều bất cập, khi thu hồi đất xảy ra các tranh chấp, bức xúc trong nhân dân

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại kỳ họp.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Quản lý về đất đai, xây dựng và quy hoạch phải đồng bộ

Trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong năm 2019, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 Luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2019.

Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) và Nghị quyết về Chương trình năm 2021; đồng thời cho ý kiến đối với 7 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), trình Quốc hội dự kiến thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 1 dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)) (dự kiến tháng 8/2020).

Về dự kiến Chương trình năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ có 4 dự án luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và theo nguyên tắc sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 11, bao gồm các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng trong thời gian qua, pháp luật có nhiều chỗ trống, có những điểm sơ hở, các nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sơ hở này để xâm hại quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành dự án Luật nhằm cụ thể Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 58 của Thủ tướng Chính phủ. “Luật này như bộ lọc khẳng định bảo vệ an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Qua đó, để các nhà đầu tư nghiên cứu trước khi vào đầu tư vào Việt Nam” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, các đại biểu đồng tình việc rút dự án luật này khỏi chương trình năm 2020 nhưng đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15. Vì vấn đề đất đai hiện đang rất nóng, phát sinh nhiều vấn đề từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý,… mà Luật Đất đai hiện hành khó vận dụng để giải quyết thấu đáo.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại kỳ họp. Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại kỳ họp.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), trong quá trình triển khai các dự án, khiếu kiện của dân, giải phóng mặt bằng, xây dựng và sửa chữa nhà… đều liên quan đến Luật Đất đai. Từ những bức xúc đó và những kiến nghị của cử tri, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần có quy định hoặc Nghị quyết điều chỉnh ngay những bức xúc còn vướng liên quan đến Luật Đất đai.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng việc thực thi Luật Đất đai cần gắn với các Luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện nay trong quá trình áp dụng Luật Đất đai có quá nhiều bất cập, dẫn đến việc thu hồi đất xảy ra các tranh chấp, vụ khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. “Những quy định của luật so với nhu cầu của thực tiễn, giữa công tác quản lý nhà nước với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, của tổ chức sử dụng đất đai. Điển hình, có những quy hoạch kiến trúc, hay quy hoạch công viên cây xanh rất cần thiết cho xã hội, nhưng lại quy hoạch trong cụm khu dân cư lâu đời, quy hoạch để hàng chục năm vẫn không thực hiện. Những lợi ích của người dân gặp khó khăn, khu quy hoạch đó như án treo đối với người dân” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói; đồng thời đề nghị khi xây dựng sửa đổi Luật Đất đai cần đồng bộ với các luật khác để khi thực hiện trong thực tiễn bớt chồng chéo, vướng mắc, tạo lỗ hổng trong luật giữa quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng và quy hoạch và phải hài hoà lợi ích giữa người dân và của người sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại kỳ họp.

Luật Thỏa thuận quốc tế bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Tờ trình dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế bao gồm 7 Chương với 53 Điều, được quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; đơn vị trực thuộc của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đơn vị trực thuộc của cơ quan cấp tỉnh; cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Luật Thỏa thuận quốc tế là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về hội nhập quốc tế, đáp ứng những nhu cầu về pháp luật và thực tiễn đặt ra.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo