Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Mở cửa nền kinh tế: Thận trọng nhưng cũng cần tích cực

Ông Trần Đình Thiên phát biểu tại tọa đàm.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 19/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò doanh nghiệp, người dân trong phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt với phòng, chống dịch Covid-19” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, từ tháng 4/2021, đợt dịch thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, đe dọa sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng. GDP 9 tháng tăng 1,42%; GDP Quý III của cả nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước - là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2000. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, đến đầu tháng 10/2021, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát kết quả dịch Covid-19”. Nghị quyết này ra đời đã khẳng định bước phát triển về nhận thức, ứng phó trước dịch bệnh để hướng đến thích ứng dịch bệnh, chuyển từ quan điểm loại bỏ dịch đến thích ứng an toàn, linh hoạt có kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới.

Để thiết thực góp phần thực hiện mục tiêu kép của đất nước trong điều kiện bình thường mới, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế phối hợp tổ chức tọa đàm nhằm tập hợp ý kiến đề xuất các giải pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh của một số chuyên gia.

Các ý kiến tại tọa đàm đều cho rằng, những chính sách của Chính phủ hiện đang đi đúng hướng tập trung vào việc khởi động quá trình mở cửa nền kinh tế; tập trung các giải pháp hỗ trợ vào nhóm các DN; tạo điều kiện cho hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài (hiện vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công)…

Tuy nhiên, để bảo đảm nền kinh tế phục hồi, cần có chính sách tổng thể, toàn diện và thực chất để tạo điều kiện cho các DN duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế. Trong đó, đảm bảo các yếu tố cơ bản là: sự lưu thông hàng hóa thông suốt (với vai trò như mạch máu của nền kinh tế); chính sách về tín dụng lâu dài, căn cơ chứ không chỉ trong ngắn hạn; thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn; các gói hỗ trợ trực tiếp (tín dụng, thuế, lãi suất, thu hút lao động…) và đủ sức mạnh để giúp DN có thể duy trì, phục hồi và thích ứng với bối cảnh mới. Trong các nhóm DN, cần tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế số - công nghệ cao, tức là cấu trúc hiện đại của nền kinh tế. Loại bỏ những quy định là rào cản, chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đây vừa là giải pháp đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, nhưng cũng đồng thời là tiền đề để tạo nguồn lao động cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước…

Theo GS.TS Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để đạt tăng trưởng GDP năm 2021 như dự báo ở mức 3%-3,5%, cần phải kịp thời vận dụng một số chính sách và giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ trong thời gian tới, trong đó, mấu chốt là những giải pháp cơ bản bảo đảm cho nền kinh tế thị trường lưu thông thông suốt. Đặc biệt, cần bảo đảm lưu thông hàng hóa, tức là lưu thông các nguồn lực vật thể, bảo đảm “lương thực” cho “cơ thể” kinh tế. “Phải bảo đảm sự thông suốt quốc gia, phải có chế tài nghiêm khắc đối với những địa phương và cá nhân cản trở mạch lưu thông chung, cố tình trì hoãn, hoặc hiểu không đúng, hiểu lệch lạc quy định của Chính phủ. Các địa phương phải nhận thức cho đúng bản chất dịch bệnh để thoát khỏi tâm lý sợ hãi quá mức, đẻ ra tinh thần “an toàn địa phương cục bộ” quá đà, xung đột gay gắt với yêu cầu vận hành không bị chia cắt hành chính của nền kinh tế thị trường”, ông Trần Đình Thiên phân tích.

Tọa đàm của MTTQ chiều 19/10. Tọa đàm của MTTQ chiều 19/10.

Song song đó, những chính sách, biện pháp giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực tài chính - miễn giảm, giãn thuế, phí, lãi suất, nợ... mà Chính phủ và hệ thống ngân hàng áp dụng khá hiệu quả lâu nay nên tiếp tục được duy trì; thậm chí, cần kéo dài thời gian và tăng mức độ hỗ trợ. Hệ thống ngân hàng cũng xác định rõ giới hạn hạ lãi suất để hỗ trợ DN. Lúc này dòng tiền ở nhiều DN đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn ngân hàng của họ rất “kém”, rất khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh lại đặt ra bức bách, thậm chí là “sinh tử”. Các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các DN này vay vốn, trong khi DN thiếu vốn đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế. Do đó, cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề vốn cho DN. “Cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía nhà nước, tức là nhà nước bảo lãnh cho DN vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay. Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro. Rủi ro đến mức nào thì phải tính toán, có tiêu chuẩn rõ ràng, căn cứ vào chính khả năng phục hồi của DN nhờ khoản vay đó, với sự bảo đảm của các quy định luật pháp phù hợp. Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải biết “'lấy độc trị độc” thì nền kinh tế mới “giải độc” được”. - Ông Trần Đình Thiên đề xuất.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần tích cực mở cửa nền kinh tế vì hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không nên lo sợ quá mức, thận trọng nhưng cũng cần tích cực. Đơn cử, việc thí điểm mở cửa du lịch Phú Quốc, nếu các quy định khắt khe quá thì sẽ không ai đến. Thời điểm hiện nay rất cần lãnh đạo các địa phương đối thoại, họp bàn với các DN, hiệp hội DN để tìm ra vấn đề, các giải pháp thiết yếu không chỉ cho sự phát triển của địa phương mà còn cho cả đất nước…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo