Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngày Xuân thăm “làng heo đất”

Một người thợ đang vẽ mắt cho heo đất.

(Thanhuytphcm.vn) - Bình Dương nổi tiếng là vùng đất của các làng nghề thủ công truyền thống như gốm, sơn mài, chạm khắc, đúc đồng… và dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này, các lò heo đất tại Lái Thiêu - Bình Dương lại càng tấp nập với mặt hàng chính là những con heo đất nung.

Để có được một con heo đất thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn, từ đánh đất, đổ khuôn đến nung trong lò nhiều giờ đồng hồ, rồi chà nhám, vẽ... Xưa kia ở vùng đất Lái Thiêu có khoảng 300 hộ làm nghề này nhưng nay số lượng chỉ còn khoảng 20 hộ vẫn giữ được nghề truyền thống của ông cha. Các cơ sở này cũng chủ yếu thực hiện khâu trang trí cho heo đất, còn việc tạo hình và nung heo phải ở tận Tân Uyên cũng thuộc địa phận Bình Dương vì lý do bảo vệ môi trường.

Nghe trang trí cho heo đất tưởng chừng đơn giản nhưng thực sự có quan sát và tìm hiểu mới thấy được sự phong phú và cầu kì của công đoạn này như thế nào. Gia đình chị Đặng Thị Vàng - lò heo đất Anh Quang - đã có 3 đời làm heo đất. Chị Vàng nối nghiệp cha đã hơn 20 năm nay, hiện tại hai con chị vừa học văn hóa, vừa phụ giúp chị làm một số công đoạn cũng lành nghề hệt như một thợ thủ công chuyên nghiệp. Chị Vàng cho biết: “Heo đất là sản phẩm thủ công và không thể thiếu bàn tay của người thợ, nhất là ở khâu vẽ. Các khâu khác thì dễ đào tạo nhân sự hơn còn khâu vẽ là rất khó. Người thợ vẽ phải có một chút năng khiếu và làm quen tay thì mới vừa đạt yếu tố mỹ thuật vừa kịp tiến độ giao cho khách. Không thể lượng được chính xác mất bao lâu mới đào tạo được một người thợ lành nghề, nhưng ít nhất cũng cả tháng…”.

Có thể nói mỗi chú heo đất chính là sản phẩm của sự sáng tạo và người thợ khoác thêm áo mới, thổi hồn cho những khối đất nung này không khác gì một nghệ sĩ. Giá thành của con heo đất truyền thống bán tại lò chỉ khoảng 6.000 đồng, với loại heo vẽ trang trí thì tầm 15.000 đồng cho một con kích thước nhỏ… Các loại heo càng cầu kì và kích cỡ lớn thì giá trị càng cao, có khi lên đến vài trăm ngàn đồng.

Vốn thích vẽ từ nhỏ, sau khi nghỉ việc tại một công ty với lý do thời gian làm việc không phù hợp, chị Tú Phượng quyết định xin vào làm việc tại lò heo đất gần nhà. Đã hơn 1 năm nay, chị mê mẩn với việc tô màu, điểm nhãn cho từng chú heo đất. “Vẽ mắt là khó nhất, nhiều khi mình không tập trung mà lỡ quẹt cọ ẩu một chút là nhìn mặt con heo nó buồn liền… Lúc vẽ mình cũng phải tưởng tượng ra nhiều thứ, hay đi ngoài đường nhiều lúc thấy một hình ảnh nào đó ấn tượng là sẽ tập trung nhớ lại để sau này đưa vào sản phẩm”, chị Tú Phượng chia sẻ.

Vậy mới nói, để tô màu cho khối đất thì không quá phức tạp và có thể học được trong vài tháng, nhưng để chú heo đất thật sự có hồn thì cần sự tinh tế của người vẽ, điều không phải muốn là có được. Do vậy, để tìm nguồn nhân công có tay nghề và chịu bám trụ với nghề cũng là điều trăn trở của các chủ cơ sở làm heo đất tại đây.

Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính, người thợ phải không ngừng sáng tạo những mẫu mã mới. Đặc biệt mùa Tết năm nay chú heo là con giáp cầm tinh nên mặt hàng này hút khách hơn hẳn. Anh Nguyễn Thành Tâm – chủ một lò heo đất tại lái thiêu đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề truyền thống này của gia đình chia sẻ: “Từ lúc bén duyên với nghề năm 10 tuổi tôi hầu như đã làm qua tất cả các công đoạn của nghề này. Mỗi năm mẫu mã đều phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dịp Tết này mỗi ngày làm 2.000 con heo nhưng khách mua thì gấp mấy lần số đó, nếu không trữ hàng là không đủ giao cho khách. Con heo đất là sản phẩm nổi tiếng của vùng đất Bình Dương này, lại là nghề truyền thống của gia đình nên mình cũng cố gắng gìn giữ, nhưng được bao lâu thì còn cần sự ủng hộ của các anh em nữa, một mình mình thì khó mà làm được. Cũng may ở địa phương luôn có sự hỗ trợ về vốn nên cũng bám trụ được…”

Mỗi dịp Xuân về Tết đến, những cơ sở sản xuất heo đất lại tấp nập mà người ta vẫn đùa với nhau rằng, cái nghề này chủ yếu sống ba tháng Tết, quanh năm làm cầm chừng. Dù gặp không ít khó khăn nhưng với những người làm nghề này, việc làm nghề dường như không đơn thuần vì nỗi lo kinh tế gia đình mà còn là trách nhiệm của lớp cháu con phải giữ gìn truyền thống của cha ông.

Song Ngư


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo