Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nhận diện giá trị bản sắc Áo dài Việt Nam

Nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của Áo dài Việt Nam là hết sức quan trọng. Ảnh minh họa (Ảnh: Hoàng Vân)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, nhà thiết kế thời trang và các nghệ nhân làm áo dài… cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, ban ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và các cộng đồng, địa phương. Qua hội thảo nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam.

Theo TS. Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến. Áo dài là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, Áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, Áo dài mặc nhiên trở thành "quốc phục" trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

“Ngoài tính triết lý và nghệ thuật, trang phục Áo dài còn là biểu tượng bản sắc văn hóa Việt, thể hiện tâm hồn và vẻ đẹp của con người Việt Nam, không chỉ mang lại cho người Việt Nam mà còn cho cả người nước ngoài nhiều cảm xúc đặc biệt. Áo dài xứng đáng được tôn vinh là một di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam” - TS. Bùi Thị Hòa cho biết.

Nhấn mạnh nỗ lực tôn vinh giá trị áo dài thời gian qua, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, trong các kỳ Festival Huế, Lễ hội áo dài là một trong những chương trình chính thức với các bộ sưu tập áo dài mang dáng vẻ từ truyền thống đến hiện đại trên các chất liệu vô cùng phong phú, đa dạng…

Các bạn trẻ TPHCM với áo dài truyền thống. (Ảnh: Hoàng Vân) Các bạn trẻ TPHCM với áo dài truyền thống. (Ảnh: Hoàng Vân)

Ban tổ chức đã nhận được 44 bài tham luận của 47 tác giả tập trung vào làm rõ 4 chủ đề: Lịch sử phát triển của Áo dài Việt Nam; Giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của của áo dài Việt Nam; Bản sắc văn hoá và biểu tượng của Áo dài Việt Nam cùng với đó là những tập quán liên quan đến trang phục áo dài Việt Nam; Nghiên cứu về sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may áo dài; cộng đồng của trang phục áo dài: làng nghề may áo dài, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang, nhà may, những người liên quan đến trình diễn thời trang, quảng bá áo dài...; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Trịnh Thị Thủy: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục áo dài vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Trong đó, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của Áo dài Việt Nam của dân tộc và quảng bá những giá trị văn hóa này ra thế giới hết sức quan trọng. Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ Trang phục áo dài Việt Nam đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO; mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng giúp cho chúng ta có được giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để bảo đảm sức sống của áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo