Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Những thách thức Chủ nghĩa tư bản chưa vượt qua trong nhiều thế kỷ

Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc tại thành phố Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tính từ cuộc cách mạng tư sản Hà Lan giữa thế kỷ XVII đến nay đã trải qua gần bốn thế kỷ. Nhìn lại khoảng thời gian dài đó và căn cứ thực tế để dự báo tương lai, chúng ta đủ cơ sở để khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản vẫn chưa vượt qua những thách thức vốn có của nó. Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu loạt bài viết (2 bài) của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Bài 1: Khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, sự phân hóa giàu - nghèo trở nên không thể khắc phục

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến nhiều vấn đề căn cốt, trong đó khẳng định các cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa. “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Từ giữa thập kỷ 70 của thế kỷ XX và nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với điều kiện mới, chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách “tự do mới” trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”[1].

Lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản (CNTB) tính từ cuộc cách mạng tư sản Hà Lan giữa thế kỷ XVII đến nay đã trải qua gần bốn thế kỷ. Nhìn lại khoảng thời gian dài đó và căn cứ thực tế để dự báo tương lai, chúng ta đủ cơ sở để khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản vẫn chưa vượt qua những thách thức vốn có của nó.

1. Khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp

Lực lượng sản xuất là một hệ thống mà cấu trúc của nó bao gồm toàn bộ tư liệu sản xuất và người lao động với tri thức và phương pháp sản xuất, kỹ năng, kỹ xảo và thói quen lao động của họ. Ngày nay, khoa học và công nghệ đã trực tiếp trở thành một bộ phận quan trọng hàng đầu của lực lượng sản xuất.

Khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp cần phải được hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất là khi ý tưởng sáng tạo của con người có thể được hiện thực hóa một cách rất nhanh chóng và dễ dàng nhờ có những phương tiện vật chất (tư liệu sản xuất) dễ có hoặc dễ kiếm trong xã hội. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản độc quyền đã tạo ra sự dễ códễ kiếm đó. Lực lượng sản xuất theo cách tiếp cận từ góc độ kinh tế chính trị học có thể chia làm hai bộ phận cấu thành cơ bản là: lao động quá khứ (tư liệu sản xuất) và lao động sống (sức lao động con người). Mối quan hệ giữa hai bộ phận đó của lực lượng sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản có đặc điểm quan trọng nhất là quyền lực chi phối thuộc về kẻ sở hữu lao động quá khứ.

Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, tư liệu sản xuất mà trong đó quan trọng nhất là công cụ lao động ngày một nhiều và rẻ, không phải sử dụng chung (tập thể) nữa mà thành công cụ sử dụng riêng trong lao động sản xuất. Giá trị sản phẩm do lao động sống tạo ra liên tục tăng lên với tốc độ ngày càng nhanh, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Và đến một thời điểm, ý tưởng sáng tạo của con người đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp một cách phổ biến trong xã hội hay còn gọi là thời đại khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất. Trong hoàn cảnh đó, quyền lực chi phối không còn thuộc về người sở hữu lao động quá khứ nữa.

Ngày nay, thế giới đang sống trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bản chất của cuộc cách mạng này là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy… Những đặc điểm lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đó là: tạo ra nhiều cơ hội và thách thức lớn cho tất cả các quốc gia; ở những quốc gia có dân số già lực lượng lao động giảm, từ đó làm suy yếu tăng trưởng, xói mòn năng lực canh trạnh của các quốc gia này; sự thúc ép mạnh mẽ và quyết liệt của nhà cầm quyền một số nước công nghiệp phát triển về việc làm đặc biệt là Mỹ buộc các nhà tư bản, các công ty chính quốc phải chuyển các doanh nghiệp đang ở nước ngoài quay về đất nước mình. Đây là việc làm rất khó đối với các nhà tư bản. Và ngày nay trong quá trình phát triển mạng xã hội, ước tính có khoảng 50 triệu người trên thế giới tự coi là nhà sáng tạo nội dung (content creator), ước tính tạo ra một nền kinh tế trị giá 100 tỷ USD.

Phân tích sự tác động mạnh mẽ, chưa từng có của khoa học công nghệ, thúc đẩy xã hội loài người bước vào kỷ nguyên mới để thấy giới hạn mà chủ nghĩa tư bản chưa thể vượt qua trong thời gian qua và trong tương lai.

Mác và Ăngghen đã dự báo rằng “Sự tập trung tỷ trọng sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Cái vỏ đó vỡ tung ra. Giờ tận của chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt”[2].

2. Sự phân hóa giàu - nghèo ngày một sâu sắc, trở nên không thể khắc phục

Ngày nay, tại chính các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất, sự phân hóa giàu - nghèo đã trở nên hết sức sâu sắc. Năm 1999, 400 người giàu nhất nước Mỹ mới chỉ sở hữu có 1.000 tỷ USD thì đến năm 2005, họ đã sở hữu 1.250 tỷ USD. Theo Oxfam, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2020, tài sản tích lũy của các tỷ phú thế giới đã tăng thêm 3.900 tỷ USD, lên 11.950 tỷ USD. Trong đó, tài sản ròng của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm tới 540 tỷ USD, số tiền đủ để không ai phải rơi vào cảnh nghèo đói do đại dịch và chi trả mua vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả mọi người trên thế giới. Ước tính mức thuế tạm thời đối với 32 tập đoàn thu về số lợi nhuận cao nhất trong thời gian đại dịch có thể lên tới 104 tỷ USD trong năm 2020, con số đủ để chi trả cho trợ cấp thất nghiệp của tất cả người lao động và hỗ trợ tài chính cho tất cả người già và trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Cũng theo báo cáo của Oxfam, công bố ngày 17/1/2022 có tiêu đề “Bất bình đẳng đang giết chết chúng ta", trong 2 năm đầu của đại dịch Covid-19, tài sản của 10 người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD; trong khi thu nhập của 99% nhân loại giảm xuống và thế giới có thêm hơn 160 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Theo Giám đốc Điều hành Oxfam quốc tế, bà Gabriela Bucher: “Nếu ngày mai, 10 người này mất đi 99,999% tài sản của họ, thì họ vẫn sẽ giàu hơn 99% người dân trên toàn thế giới. Khối tài sản của 10 người giàu nhất nhiều gấp 6 lần 3,1 tỷ người nghèo nhất thế giới”.

Theo báo The Guardian ngày 3/5/2022, Hãng dược Pfizer (Mỹ) đã kiếm gần 26 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, phần lớn từ vaccine Covid-19 và thuốc trị Covid-19. Điều này làm cho Pfizer bị cáo buộc trục lợi từ đại dịch, họ phải đối mặt với những lời chỉ trích về giá vaccine và việc từ chối bỏ quyền bảo hộ bằng sáng chế để cho phép những công ty khác sản xuất.

Ông Tim Bierley, nhà vận động về dược phẩm tổ chức Global Justice Now, cho biết: “Trong suốt đại dịch, Pfizer đã từ chối chia sẻ công nghệ và bí quyết của họ. Thay vào đó, họ đã duy trì sự kiểm soát độc quyền đối với vaccine và thuốc điều trị của mình, giữ quyền kiểm soát đối với nguồn cung toàn cầu... Doanh thu của Pfizer gần như tăng gấp đôi vào năm ngoái và bây giờ có vẻ như kho tiền của công ty sẽ còn tăng thêm nữa. Vào thời điểm mà hàng triệu người vẫn chưa được tiếp cận vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19, thật đau lòng vì hành vi liên tiếp trục lợi từ đại dịch này”.

Phạm Đức Hải

(Còn tiếp)

__________________________

[1] Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (Tuyển chọn), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 12, 13.

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tập 23, trang 1059.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo