Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ổn định giá xăng dầu trong nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân

Họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/7

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 4/7, sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6, 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội đã được các phóng viên nêu ra và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trả lời, làm rõ. Đáng chú ý là những nội dung liên quan đến kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giải pháp kiềm chế giá xăng dầu, sự cần thiết phải tiêm mũi 4 phòng Covid-19, phương án giải quyết tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế...

Về kịch bản tăng trưởng GDP 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, kết quả tăng trưởng đầu năm là rất ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Đó là kết quả của tổng hòa của cả hệ thống, sự tham gia tích cực của nhân dân. Nhờ đó, nền kinh tế đã phục hồi rất tích cực. Tuy nhiên, kinh tế xã hội của chúng ta vẫn có nhiều khó khăn, đầu tiên là sức ép về giá cả tăng cao sẽ làm cho sản xuất khó khăn; tiếp đến là sự thiết hụt ngắn hạn về lực lượng lao động, nhất là ở những trung tâm là động lực của nền kinh tế. Hiện nay, nhiều lao động chưa sẵn sàng quay lại làm việc, khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu nhân lực, sẽ cần thời gian để giải quyết vấn đề này.

Bộ KH-ĐT đã đề ra 2 kịch bản tăng trưởng để điều hành, tăng trưởng từ 6% - 6,5% năm nay là rất tích cực, do đó Bộ KH-ĐT đề ra mục tiêu tăng trưởng 7% để phấn đấu. Muốn thế phải giải quyết được vấn đề về giá cả, tuy hiện nay lạm phát Việt Nam chưa cao nhưng có nhiều sức ép, đòi hỏi điều hành giá cả phải nhịp nhàng, mục tiêu là bảo đảm lạm phát ở mức 4%. Cùng với đó, đẩy mạnh kết cấu cung cầu để giải quyết sự thiếu hụt lao động. “Nếu giải quyết tốt 2 vấn đề giá cả và thiếu hụt lao động, cùng với các giải pháp khác thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương

Về vấn đề giá xăng dầu vẫn tăng cao, vừa qua Bộ Tài chính trình điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Tuy nhiên, đây được cho là mức thấp, cần có giải pháp để tiếp tục kiềm giá xăng dầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, với sản lượng tiêu thụ hiện nay, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất trên thì ước giảm thu ngân sách nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng. Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 thì ước giảm thu ngân sách nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 7.000 tỷ đồng. Con số này cộng với việc đang triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường thì tổng thu ngân sách ước giảm trên 32.500 tỷ đồng trong năm 2022. Bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính cũng chủ động kế hoạch điều chỉnh các chính sách khác với mặt hàng này bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, giá tiêu thụ đặc biệt… Chúng ta cũng căn cứ giá xăng dầu thế giới và ở Việt Nam ở từng thời điểm để có mức giá phù hợp, ổn định giá xăng dầu trong nước và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trả lời về việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 4, cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo tiêm nhắc lại lần 1, 2 là rất quan trọng để phòng dịch. Hiện nay đã xuất hiện các biến thể mới, nên nếu có khả năng suy giảm miễn dịch cộng đồng thì dịch rất có thể quay lại, do đó việc tiêm là rất cần thiết.


Trả lời cầu hỏi về các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, về giải pháp trong ngắn hạn, trước mắt, Bộ Y tế đang tích cực soạn thảo để trình và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết về bảo đảm thuốc, vật tư y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; đẩy nhanh tiến độ các gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục thuốc đàm phán tại Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đồng thời, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kết quả kiểm tra tại các địa phương, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, các địa phương triển khai đấu thầu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị để tránh tình trạng tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám mua sắm. Về dài hạn, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành sửa đổi, bổ sung các Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo