Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Phát hiện sai phạm, đoàn thanh tra kết luận không vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra

Báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 7 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản).

Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị UBTVQH cho giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội. Mục tiêu là để thanh tra huyện tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho giữ quy định về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong dự thảo Luật như Chính phủ đã trình và ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế đang thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Cũng không phải ở tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đều sẽ thành lập tổ chức thanh tra mà Chính phủ sẽ rà soát, chỉ cơ quan nào thực sự cần thiết và có đủ năng lực thực hiện thì mới được thành lập cơ quan thanh tra.

Về thanh tra sở, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội quy định theo hướng “thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ hoặc của luật. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao tại địa phương”.

Thảo luận về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị rà soát, làm rõ mối quan hệ, tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ giữa thanh tra các cấp với UBND, Chủ tịch UBND các cấp và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề quan trọng nhằm nâng cao tính chịu trách nhiệm, nhanh có kết luận, công bố kết luận thanh tra. Đồng thời, cần xem xét đến vấn đề sắp xếp, tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước (sẽ có những thay đổi, chỉ còn cấp Cục) trong quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường lưu ý quy định cụ thể trách nhiệm của trưởng đoàn và đoàn thanh tra. Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện vi phạm, đoàn thanh tra phải ra kết luận. Nếu phát hiện vi phạm mà bỏ qua, sau này phát hiện ra thì trưởng đoàn và đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo đã có quy định đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra của mình. Phát hiện sai phạm, đoàn thanh tra phải có kết luận, còn nếu kết luận không vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Mặt khác, trưởng đoàn thanh tra cũng có quyền bảo lưu ý kiến và chịu trách nhiệm trước chánh thanh tra…

Toàn cảnh Phiên họp. Toàn cảnh Phiên họp.

Phát huy cao độ dân chủ đại diện của nhân dân

Cũng trong chiều 17/8, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, qua thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành Luật này điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Nhưng về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ nên dẫn chiếu đến các quy định có liên quan của pháp luật về lao động, còn lại nên tập trung quy định về thực hiện dân chủ đối với doanh nghiệp nhà nước bởi có những đặc thù riêng.

Về Ban Thanh tra nhân dân, vẫn có ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại xã, phường, thị trấn; không tiếp tục thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Bởi tại những loại hình này, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân khó phát huy hiệu quả thực chất, không bảo đảm tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ như đối với ở xã, phường, thị trấn…

Qua thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phạm vi điều chỉnh về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động như trong dự thảo Luật là phù hợp, đúng với mục tiêu đặt ra, không mâu thuẫn, xung đột mà phù hợp với pháp luật về lao động, góp phần làm tốt hơn quan hệ về lao động trong doanh nghiệp.

Giải trình tại phiên họp, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh nguyên tắc, tinh thần soạn thảo dự án luật dân chủ cơ sở là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, được thể chế hóa trong từng chương. 3 loại hình thực hiện dân chủ cơ sở là xã/phường/thị trấn; cơ quan/đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp, trong đó có bổ sung đầy đủ, toàn diện quy định thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động. Cơ quan soạn thảo đã rà soát kỹ lưỡng, phát huy cao nhất dân chủ đại diện của nhân dân, dân chủ trực tiếp được thực hiện rõ ràng, được tăng cường, mở rộng hơn trước.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo