Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sẽ không phạt cho tồn tại công trình xây dựng sai phép

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ không còn tình trạng xử phạt vi phạm trong xây dựng rồi cho tồn tại.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/9, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực, đã có một số Luật mới được ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14;… Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật Xây dựng năm 2014 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước...

Theo quan điểm của Ủy ban này, Luật Xây dựng có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới và tiếp tục được hoàn thiện. Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn về phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Trong khi Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay, đồng thời làm rõ vấn đề Luật sửa đổi lần này có chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng không, tình trạng cơi nới các nhà chung cư, các nhà siêu mỏng xuất hiện ngày càng nhiều, thì Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, khi đặt ra vấn đề sửa đổi thì phải đặt câu hỏi Luật hiện hành đang vướng về nội dung nào? Trong khi đối với Luật này, chúng ta đang không vướng về vấn đề kỹ thuật mà là vướng về vấn đề thực tiễn thực hiện quản lý xây dựng. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi khi Luật có hiệu lực.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực thi hành mới được hơn 4 năm, Chính phủ cần rà soát ngoài 37 văn bản hướng dẫn thi hành còn vấn đề nào của Luật chưa được hướng dẫn thi hành. Đề cập đến tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua, theo báo cáo, có xu hướng giảm qua các năm, tuy nhiên năm 2018 không nói giảm bao nhiêu mà lại nêu con số về các công trình kiểm tra được, bà Nga đề nghị phải đánh giá cho đúng thì mới quan tâm đến việc sửa chỗ nào trong luật.

“Tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ như thế nào? Các đồng chí có đánh giá ra sao? Những vi phạm đó có đúng như thời gian qua chúng ta nhìn thấy ở một số thành phố và một số vụ án đã khởi tố?”, bà Lê Thị Nga hỏi.

Theo bà Lê Thị Nga, đây là vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Ủy ban Tư pháp nhận định có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài. Đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Bà đề nghị chỉ rõ có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền không phải chỉ ở Bộ Xây dựng mà các địa phương.

“Trong lĩnh vực xây dựng này thì đổ đống cát, đống gạch trước cửa là có người đến ngay nhưng những công trình lớn như các đồng chí nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu. Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào?”, bà Nga đặt vấn đề và đề nghị làm rõ vấn đề này trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể. Trong đó phải báo cáo kỹ về trách nhiệm của chính quyền địa phương, từ đó mới sửa những điều về quản lý nhà nước trong dự luật. Đồng thời, bà cũng kiến nghị Bộ Xây dựng chấn chỉnh lực lượng thanh tra chuyên ngành về xây dựng trong những sự kiện thời gian qua.

Giải trình, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhìn nhận, tất cả ý kiến nói về bức xúc, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng. Tồn tại hạn chế trong lĩnh vực xây dựng phụ thuộc 2 khâu, 1 là thể chế, 2 là tổ chức thực hiện. Cái gì tổ chức thực hiện còn yếu kém thì phải khắc phục.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong dự luật lần này có nhiều đổi mới, nếu sửa được sẽ tạo chuyển biến. Cụ thể như quy định cơ quan chuyên môn xây dựng chỉ thẩm định 4 nội dung, còn lại chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, thiết kế… Trước đây, cơ quan nhà nước thẩm định cả thiết kế, móng bao nhiêu, cột bao nhiêu và hiện nay ách tắt khâu này rất nhiều. Nếu sửa được thì giải quyết rút ngắn nhiều và làm rõ trách nhiệm các chủ thể liên quan. Bộ trưởng cũng khẳng định, theo Nghị định 139/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng) thì từ 1/1/2018, công trình xây dựng sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo