Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 109 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2020)

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước có tính truyền cảm hứng

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, với tên mới là Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu La Touche Tréville trong vai một người phụ bếp, mở đầu hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm ròng rã. Ý nghĩa của sự kiện này đã được khẳng định và được nói rất nhiều nhưng có một khía cạnh khác cũng nên được nhắc tới, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đó là tính chất hay khả năng truyền cảm hứng của sự kiện này đối với mỗi người Việt Nam, đối với đất nước.

Nêu vấn đề truyền cảm hứng ở đây thì không phải là việc phải “ra đi tìm đường cứu nước” thêm lần nữa, bởi nước ta hiện nay đã được hoàn toàn độc lập, tự do. Hơn nữa, phát biểu như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thì "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Vậy, yếu tố truyền cảm hứng của sự kiện này có thể được nhìn ở mấy góc độ:

Thứ nhất, cần tiếp tục tìm nhiều cách thức để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi từ khi mới thành lập nước. Ngày nay, nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và nằm trong tiến trình thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đó, sự nghiệp đó chưa có tiền lệ, chưa sẵn có mô hình để đi theo mà gần như là phải dò dẫm. Do đó, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Đối với mỗi cá nhân, trên cơ sở công dân được làm những gì pháp luật không cấm thì có thể tìm tòi những phương thức làm, những mô hình khởi nghiệp mới sao cho đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cho cộng đồng và cho xã hội.

Thứ hai, mạnh dạn tìm ra những lối đi mới chứ không bước trên lối mòn cũ. Bác Hồ đã không đi Nhật như cụ Phan Bội Châu, không đi Trung Quốc như cụ Nguyễn Thượng Hiền, không giống như cụ Phan Chu Trinh, không bạo động theo đường lối dân chủ như cụ Hoàng Hoa Thám… Bởi Người nhìn thấy các mặt tích cực nhưng cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế của các lối đi. Và vì vậy, Người tìm một lối đi mới mà bấy giờ chưa ai nghĩ đến, đó là sang Pháp “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”; Người còn sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác. Ngày nay, học tập tinh thần đó, chúng ta phải thực sự chủ động và sáng tạo trong các hoạt động của mình, từ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý xã hội… cho đến việc hoạch định đường lối phát triển đất nước.

Thứ ba, luôn học tập các trào lưu, các tiến bộ của nhân loại nhưng phải dựa trên năng lực của bản thân là chủ yếu. Là người đi khắp các châu lục, tiếp thu nhiều luồng tư tưởng cả cũ và mới lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã học tập những tinh hoa của các luồng tư tưởng đó. Người xác định con đường cách mạng là theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng cũng vận dụng học thuyết “tam dân” của Tôn Trung Sơn, từng chủ trương áp dụng chính sách kinh tế mới của Lênin, thực hiện tinh thần bác ái của các tôn giáo lớn… Người cũng đã nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của nhiều người, nhiều nước nhưng sau cùng, Người vẫn chủ trương “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”... Ngày nay, trong thế giới phẳng, có rất nhiều trào lưu mới, ta có thể học những cái tinh hoa và phù hợp của từng trào lưu đó nhưng không phụ thuộc, không được dựa dẫm vào người khác, vào nước khác. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần độc lập, tự chủ trong việc xây dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc của riêng mình, tránh chờ đợi, trông cậy vào người khác.

Thứ tư, phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu và không được thỏa mãn. Cả quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh cũng như suốt cuộc đời cách mạng của Người, Người đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Đó là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Từng cá nhân hay một tổ chức, một doanh nghiệp, thậm chí một đất nước, nếu muốn thành công thì bản thân hay các thành viên của tổ chức, đất nước ấy phải nỗ lực, đoàn kết và không ngừng phấn đấu. Không chỉ vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nếu bản thân không phát triển thì sẽ sớm bị tụt hậu và bị lệ thuộc.

Sự truyền cảm hứng này có thể dành cho cá nhân hoặc dành cho các tập thể, các nhóm người, thậm chí cả xã hội, cả đất nước. Dù với chủ thể nào, “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” của cảm hứng này là khát vọng vươn tới những tầm cao. Năm xưa, Hồ Chí Minh từng chịu cảnh đau đớn khi mất nước mà quyết tâm tìm được con đường cứu nước. Ngày nay, nhiều người đã nói về sự tự ti của một nước nghèo nàn, lạc hậu – dù trên thực tế nước ta hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có ý nghĩa lịch sử nhưng so với tiềm năng và với các nước thì vẫn chưa tương xứng – nên mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng phải nỗ lực thật nhiều để làm giàu cho bản thân và cùng nhau làm giàu cho đất nước. Có như vậy thì mới góp phần “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong mỏi.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo