Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sự mộc mạc, dung dị mà sâu sắc của Bác từ cảm nhận của người nghệ sĩ

Họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ tại buổi giao lưu (ảnh: Long Hồ)

(Thanhuytphcm.vn) - Những câu chuyện được chia sẻ trong phần giao lưu tại “Lễ biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 – 2019” do Thành ủy TPHCM tổ chức chiều 14/5 đã để lại ấn tượng đẹp, xúc động với các đại biểu. Đó là chia sẻ về hành trình hơn 9 năm vẽ chân dung hơn 2.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng của họa sĩ Đặng Ái Việt (Hội Mỹ thuật TP - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP); đó còn là tinh thần rèn đức, luyện tài, thể hiện từng vai diễn, từng vở diễn bằng tất cả sự cố gắng tài năng người nghệ sĩ của Đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Trưởng Khoa kịch hát dân tộc, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.

Luôn nhắc nhở mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Bước ra từ chiến trường, với tư cách là đồng đội, đồng chí của con các Mẹ Việt Nam Anh hùng, họa sĩ Đặng Ái Việt luôn ấp ủ ước mơ làm một điều gì đó thật ý nghĩa để tri ân những hy sinh thầm lặng của các mẹ. Mong muốn ấy được họa sĩ Ái Việt ấp ủ từ lúc còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật TPHCM và đến  ngày về hưu bà mới có thể thực hiện được.

Và khi Nhà nước có chủ trương phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, họa sĩ Đặng Ái Việt đã nghĩ đến việc đầu tư vào đề tài nhân chứng lịch sử để thực hiện ước muốn làm một điều gì đó tri ân cho những người mẹ của Tổ quốc Việt Nam. Mọi công việc chuẩn bị cho dự án đã được bà chuẩn bị thấu đáo và tháng 2/2010 bà bắt đầu hành trình mang ý nghĩa lớn lao ấy. Hơn 9 năm cùng với chiếc xe Chaly cũ chất đầy đồ đạc và màu vẽ, nữ họa sĩ Ái Việt rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc với hàng chục ngàn kilomet để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Để tạo được công trình về chân dung các Mẹ, người họa sĩ vừa hơn 70 tuổi này đã phải tập luyện rất nhiều. Bà phải tập về sức chịu đựng, tập nhịn đói đề phòng trường hợp lạc trong rừng, học những kỹ năng cần thiết để có thể sửa chữa chiếc xe Chaly mỗi khi dở chứng; hay trang bị những kiến thức, kỹ năng về băng rừng vượt núi. Họa sĩ Ái Việt chia sẻ: Có lẽ trải qua thời gian khổ trong chiến trường nên sức khỏe và sự chịu đựng của bà mới bền bỉ như thế. Bà hồ hởi kể: “Tính đến ngày hôm qua, tôi đã vẽ được 2.010 chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Với họa sĩ Đặng Ái Việt, khi vẽ các Mẹ, bà muốn đến tận nơi ôm các Mẹ. Mỗi bức chân dung không phải đơn giản là đặc tả khuôn mặt các Mẹ mà bà vẽ vẻ đẹp trong tâm hồn các Mẹ. Mỗi Mẹ mỗi vẻ, nhưng chân dung các Mẹ đều toát lên điểm chung là sự can trường khi mất đi những người thương yêu nhất vì đất nước. Và điều mà nữ họa sĩ trân trọng và quý nhất là vẽ các bức chân dung là lúc bà trao những nụ hôn cho những người phụ nữ vĩ đại ấy. Cái hôn của nữ họa sĩ già không phải cho riêng bà, mà bà hôn giùm cho các liệt sĩ, như một cách tri ân các đấng sinh thành của đồng đội, đồng chí, bạn bè mình. Họa sĩ Ái Việt kể: Có bà Mẹ 107 tuổi vẫn đau đáu về hai người con liệt sĩ hy sinh năm 1969 và chỉ cách nhau 1 tháng nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của một người con... Khi vẽ, nữ họa sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng đã ôm nhau, cùng trào nước mắt.

Một điều khá đặc biệt với họa sĩ Đặng Ái Việt là trong suốt hành trình hơn 9 năm vẽ các Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà luôn giữ vật “gối đầu giường” là bức thư đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các họa sĩ Việt Nam vào tháng 10/1951. Bà chia sẻ: “Thư của Bác viết mộc mạc, xúc tích, chưa đầy 300 chữ, chính xác là có 276 chữ. Tôi đã thuộc lòng từng chữ. Trong Bức thư Bác dặn nghệ sĩ phải là chiến sĩ. Chúng tôi những người nghệ sĩ đã chọn cho mình một con đường và tự nguyện xem mình là 1 chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật. Đây không chỉ hành trang mà điều rất thiêng liêng luôn nhắc nhở mình là người nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.

Càng tìm hiểu càng thấy Bác rất dung dị, sâu sắc

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt là một trong những người tiên phong trong các hoạt động của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM, trong đó có phong trào Học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi đua trò học tốt, thầy dạy giỏi... đã giúp anh có nhiều sáng kiến, mạnh dạn thực hiện đạt hiệu quả tốt trong công tác quản lý khoa Kịch hát dân tộc và luôn tìm hiểu các biện pháp đổi mới trong lĩnh vực giảng dạy, nhằm làm phong phú các buổi lên lớp.

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt từng dàn dựng cho sinh viên khoa tham dự các cuộc thi đã đạt Huy chương vàng, giải tài năng trẻ toàn quốc. Đặc biệt, anh đã dàn dựng vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đừơng” và vở diễn đạt Huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2018. Vở diễn tái hiện hành trình buổi đầu bôn ba tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc với tâm điểm là vụ án “Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong”.

Một cảnh diễn trong vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” (ảnh: Ngọc Tuyết) Một cảnh diễn trong vở cải lương “Tổ quốc nơi cuối con đường” (ảnh: Ngọc Tuyết)

Đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ, “Tôi là một người con TPHCM - TP mang tên Bác và từ nơi này Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Tôi làm rất nhiều các tác phẩm về các anh hùng trong lịch sử. Phải nói rằng đến tác phẩm “Tổ quốc nơi cuối con đường”, cả êkíp chúng tôi vừa tâm đắc vừa áp lực lúc ban đầu khi làm vở diễn. Nhưng khi chúng tôi càng tìm hiểu về Bác thì càng thấy Bác rất dung dị, sâu sắc”.

Khi trao đổi với nghệ sĩ Tấn Giao - người thể hiện vai diễn Nguyễn Ái Quốc, đạo diễn Lê Nguyên Đạt nói, ông không có ý định hóa trang ngoại hình cho giống với người thanh niên Nguyễn Ái Quốc mà cứ biểu diễn bằng tình cảm của mình đối với nhân vật, để vở diễn đi vào cảm xúc chân thật nhất của người thanh niên yêu nước.

Chia sẻ về sự thành công của tác phẩm này, anh cho biết: “Vai trò của người nghệ sĩ ngày hôm nay mà chúng tôi đang thực hiện là làm tốt nhất việc rèn đức, luyện tài, thể hiện từng vai diễn, từng vở diễn của mình bằng tất cả sự cố gắng tài năng. Đặc biệt bằng loại hình nghệ thuật dân tộc của chúng ta hiện nay càng phải cẩn trọng hơn nữa, càng phải nâng niu hơn nữa tìm ra cái mới, tính thời đại để phục vụ yêu cầu của khán giả ngày hôm nay, đặc biệt khán giả trẻ với sân khấu cải lương. Đó là tiêu chí để thực hiện vở “Tổ quốc nơi cuối con đường” và đã được ghi nhận cho đến ngày hôm nay”.

S. Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo