Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tăng cường vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 6/8, tại TPHCM, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo “MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” khu vực phía Nam. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân. Chủ trì hội thảo gồm có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực.

Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra rất nhức nhối 

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam  đã quan tâm thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTN), như: Tham gia tích cực vào việc xây dựng và tuyên truyền các quy định về PCTN, lãng phí; tăng cường giám sát, phản biện xã hội; thúc đẩy việc cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch để PCTN, lãng phí, sách nhiễu trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. 

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, vẫn diễn ra rất nhức nhối ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tiếp tục làm xói mòn đạo đức xã hội, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; làm giảm lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. “Chính vì thế, PCTN, lãng phí luôn là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự tham gia thường xuyên, thực hiện kiên trì, kiên quyết của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó phải có sự vào cuộc tích cực của MTTQ Việt Nam.”- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Đồng chí Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp về tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự tham gia tích cực của đông đảo người dân đối với công tác PCTN; tăng cường vai trò của MTTQ Việt Nam trong công tác PCTN; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong công tác PCTN; vai trò của Ban công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong công tác PCTN, lãng phí ở cơ sở; phản ánh những biểu hiện bất thường và tài sản, thu nhập, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.    

Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trọng việc xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến công tác PCTN, lãng phí của MTTQ Việt Nam; cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát, phản biện xã hội trong việc phản hồi, tiếp thu và thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện. Nội dung giám sát của MTTQ cần tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm là hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng ở địa phương.

Cần có sự kết nối với quần chúng chặt chẽ hơn nữa

Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS – TS Nguyễn Ngọc Điện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế-luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng thời gian tới, để chống tham nhũng một cách có hiệu quả thì Mặt trận cần có sự kết nối với quần chúng chặt chẽ hơn nữa. Muốn vậy Mặt trận phải thiết lập các kênh giao tiếp thông qua các phương tiện, đặc biệt là mạng xã hội để có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, từ đó nói lên tiếng nói của quần chúng, đặc biệt là trong quá trình phòng chống tham nhũng. Có như vậy vai trò của Mặt trận mới được phát huy.

Về quan hệ phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong PCTN, lãng phí, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu cho rằng cần phát huy vai trò chủ động, tích cực của mỗi thành viên, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống Mặt trận và tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, tổ chức các hội thảo để đánh giá đúng và đề xuất các giải pháp nhằm giảm các biểu hiện hành chính trong công tác Mặt trận để cán bộ Mặt trận sát dân, hiểu dân; để nhân dân tin cậy, phản ánh kịp thời với MTTQ Việt Nam các cấp về các vụ việc, biểu hiện tham nhũng, lãng phí.

Để công tác PCTN có hiệu quả, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, MTTQ cần phải phát huy vai trò của mình để góp phần xây dựng Đảng, nhà nước trong sạnh vững mạnh. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp phải là công bộc của dân. “Muốn phát huy vai trò của mặt trận trong công tác PCTN thì trước hết mặt trận phải mạnh. Có mạnh mới giảm sát được. Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, thực chất thì công tác PCTN mới có hiệu quả.”-  đồng chí Huỳnh Đảm nhấn mạnh. 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần tăng cường họp thư góp ý để phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát…

Đấu tranh với những tiêu cực, sai phạm ngay từ cơ sở

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải có cơ chế, quy trình tiếp nhận cụ thể để xử lý thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng. Tại TPHCM, cuối tháng 12/2017, Thành ủy đã có quy chế tiếp nhận các vụ việc này từ 4 nguồn: MTTQ, HĐND tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, qua đơn thư khiếu nại tố cáo và báo chí đăng; từ đó tổng hợp các phản ánh chuyển sang cấp ủy địa phương, báo cáo Thành ủy chỉ đạo giải quyết.

Toàn cảnh hội thảo Toàn cảnh hội thảo

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không có gì hay bằng thực tiễn tổng kết, đồng chí đề nghị cuối năm 2018, MTTQ mỗi địa phương giới thiệu ít nhất 1 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, lãng phí do Mặt trận kiến nghị giải quyết có kết quả, tổng hợp lại của 63 tỉnh, thành thành 1 tập sách. Điều đó rất quý, là thông tin để thấy được vai trò của Mặt trận, hãy làm từng việc có kết quả từ đó đem lại niềm tin.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị các tỉnh, TP cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về mô hình hay, cách làm tốt, bài học kinh nghiệm để có sự phát huy toàn diện hơn. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần thống nhất về mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương; cán bộ MTTQ cần nâng cao năng lực, gương mẫu, quyết liệt trong công tác, đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ… và khi đó giám sát mới là chìa khoá mở ra sự thành công trong công tác này.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống MT; phát huy vai trò báo chí, truyền thông, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, người dân, người tiêu biểu trong xã hội với công tác PCTN; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, phát huy vai trò của ban giám sát đầu tư của cộng đồng, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai phạm ngay từ địa bàn cơ sở.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo