Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tham nhũng vặt nhưng tác động của nó không vặt

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

(Thanhuytphcm.vn) - Khép lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời nhiều vấn đề đại biểu đề cập trong suốt một ngày làm việc.

Tham nhũng vặt gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân

Liên quan đến vấn đề tham nhũng vặt được một số đại biểu đề cập trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng vặt.

“Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy là tham nhũng vặt nhưng tác động của nó không vặt chút nào. Người ta ví như con đê rất cao to, hùng vĩ, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ và cái này tác động làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, thực hiện chủ trương của Trung ương, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo, vừa cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, tránh nhũng nhiễu, sách nhiễu.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công lên cấp độ 4 là trả tiền qua mạng, thì lúc đó mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin, camera giám sát và các hình thức khác.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao.

Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả đối với người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức, thay mặt cho Đảng và Nhà nước. “Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 và tổ chức Hội nghị toàn quốc về vấn đề này, chúng ta chấn chỉnh nhũng nhiễu, sách nhiễu và vòi vĩnh của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực này và tới đây sẽ tạo ra một số chuyển biến”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đầu tư, kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM

Trả lời về phát triển hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ có quan điểm đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, và về nông nghiệp là cứ điểm chiến lược, nên tập trung đầu tư ở đây.

Thống kê của Chính phủ cho thấy, trong 5 năm qua, tổng đầu tư ngân sách cho khu vực này đứng thứ 3 trong 6 vùng, chiếm 16,9%. Nếu tính riêng phần ngân sách Trung ương hỗ trợ, khu vực này đứng thứ 3, với 18,26%. Như vậy, số vốn bố trí cho khu vực này không phải quá thấp, song, do vùng này có xuất phát điểm hạ tầng thấp, bị chia cắt, địa chất yếu, suất đầu tư cao và phải ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Nhận ra vấn đề này, Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong 5 năm tới sẽ tập trung đầu tư dự án có tính chất liên kết vùng, liên kết tiểu vùng, kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM trên các tuyến đường bộ, đường thủy, đường sông, hàng không và đường sắt. Về đường bộ, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ phải đầu tư cả tuyến dọc theo hướng Bắc - Nam và tuyến ngang theo hướng Đông - Tây. Về đường thủy, không ở đâu có lợi thế như khu vực này, cứ 1km diện tích có 0,6km sông, rạch, thích hợp phát triển dịch vụ logistics, kết nối với các nước lân cận.

Về hàng không, có thể nghiên cứu mở thêm một số đường bay mới kết nối cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, sớm nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc. Với đường sắt đang điều chỉnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo vùng phải xây dựng danh mục dự án đầu tư ưu tiên để bố trí vốn trung hạn từ nay đến năm 2020 và 2025.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát lại đối với các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn lại ở Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát. Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo