Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Toàn cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 18/8, thực hiện chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Đáng chú ý, về quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, làm rõ việc giới hạn có làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, băng tần dành cho thông tin di động là hữu hạn. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh sẽ thâu tóm lượng lớn tần số, các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường. Quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động được cấp phép áp dụng với mọi doanh nghiệp. Do đó, không gây bất bình đẳng đối với một doanh nghiệp cụ thể nào, không làm giảm sức cạnh tranh của thị trường và cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khi lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp, không trái với Hiến pháp, Luật Cạnh tranh. Có 19/22 quốc gia (chiếm 86%) quy định giới hạn băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị UBTVQH cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Về phương thức cấp phép, nhiều ý kiến đề nghị giải thích lý do tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, nguyên nhân là ở quy định của pháp luật hay vướng mắc trong thực tiễn triển khai và giải pháp khắc phục. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua. Cụ thể, thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng đối với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp; làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp; giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền đối với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng cho quốc phòng an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, cần tiếp tục rà soát, làm rõ nội hàm, căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận, thực tiễn. Cùng với đó, đánh giá tác động về mặt quy hoạch, kỹ thuật, trường hợp đặc biệt yêu cầu bảo mật và kinh nghiệm quốc tế, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4. 

Cũng trong sáng 18/8, trước khi xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh này.

Theo đó, đối với trình tự, thủ tục Tòa án Nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Toà án Nhân dân đều là những hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và thực tiễn đang xảy ra nhiều hành vi cản trở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của tòa án, cần được điều chỉnh trong Pháp lệnh này để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm.

Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện các hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định nhà báo đăng, phát nội dung thông tin sai sự thật trên báo chí nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa án thì áp dụng theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Dự thảo Pháp lệnh cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội. Chủ tịch UBND các cấp đồng thời có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các giai đoạn tố tụng để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được khẩn trương, kịp thời.

Dự thảo Pháp lệnh trình UBTVQH thông qua gồm có 4 chương, 48 điều; so với dự thảo trình UBTVQH thảo luận ngày 15/8 tăng thêm 3 điều, chỉnh lý 15 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Pháp lệnh đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra… Do đó, UBTVQH đã xem xét và thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo