Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thực hiện nhanh, quyết liệt và thực chất việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu ý kiến tại hội nghị
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019. Tham dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành.

Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến; đại diện các sở, ngành TP.

TPHCM xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố

Tại hội nghị, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC Chính phủ Phạm Minh Hùng cho biết: Về chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2019 dẫn đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đứng cuối bảng xếp hạng là Bộ Giao thông vận tải. Giá trị trung bình chỉ số CCHC của các Bộ, cơ quan ngang Bộ là 85,63% tăng 2,95% so với năm 2018; không có bộ nào có chỉ số CCHC dưới 80%; 16/17 bộ có chỉ số tăng hơn năm 2018. Giá trị các chỉ số thành phần có 6/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn năm 2018.

Về chỉ số CCHC ở các tỉnh năm 2019 dẫn đầu là tỉnh Quảng Ninh, đứng cuối bảng là tỉnh Bến Tre. Riêng TPHCM xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số CCHC ở các tỉnh có giá trị trung bình 81,15%, cao nhất trong 4 năm gần đây, có 30 đơn vị đạt kết quả cao hơn giá trị trung bình, có 44 đơn vị đạt kết quả trên 80%, không có đơn vị nào đạt dưới 70%.

Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại UBND Quận 2 Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp tại UBND Quận 2

Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2019, 3 tỉnh đứng đầu là Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau; 3 tỉnh có chỉ số hài lòng thấp nhất là Bình Thuận, Đắk Lắk, Cao Bằng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trấn Vĩnh Tuyến cho hay: Năm 2019, TPHCM chọn chủ đề năm là “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”. TP quyết tâm thực hiện nhiệm vụ này một cách đầy đủ, trách nhiệm, từng cơ sở, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Công tác sơ kết đánh giá hàng quý với phương châm nhìn thẳng vào thực trạng và khắc phục những vấn đề yếu kém. Năm 2019, TP xây dựng kế hoạch cụ thể để 24 quận, huyện, các sở, ngành ký cam kết trách nhiệm thực hiện 7 chỉ tiêu và thực hiện 44 nội dung.

Đồng thời, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch trực tiếp giám sát 19 đầu việc; cử Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tham gia làm thành viên Ban Chỉ đạo CCHC TP để trực tiếp giám sát, cho ý kiến chỉ đạo. Chủ tịch UBND TP ký ban hành 72 đầu việc để tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành với nhau và giữa sở, ngành với Văn phòng UBND TP để tham mưu cho Thường trực UBND TP chỉ đạo thực hiện đúng thời gian, tiến độ, rõ ràng trách nhiệm trong từng đầu việc.

Qua đó, trong năm 2019, có 665 mô hình, giải pháp được đăng ký và thực hiện đúng tiến độ, đạt hiệu quả; giới thiệu 251 sáng kiến, giải pháp, cách làm hay trong công tác CCHC đang được áp dụng tại các sở, ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn, để các đơn vị tìm hiểu, nghiên cứu vận dụng tại lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Đặc biệt, TP chú trọng nghiên cứu, áp dụng các mô hình cách làm hay trong CCHC như: Mô hình Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến, ứng dụng thông tin quy hoạch TP…

“Nhằm phát huy kết quả đạt được, đặc biệt là phát huy những kết quả làm hay trên cơ sở sự đồng tình, sự quan tâm góp ý của người dân, DN, TPHCM quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ CCHC để làm thế nào đạt mục tiêu kép là được sự hài lòng, tin tưởng của người dân, DN, sự tăng trưởng của TP” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành địa phương phải quyết liệt, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa CCHC nhằm tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống của người dân, DN, tạo điều kiện cho khởi nghiệp, đầu tư trong nước, nhất là đón nhận làn sóng đầu từ FDI đổ về Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Đồng thời, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát huy những mặt đạt được trong CCHC, coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy, chuyển biến về quản lý Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng quy trình xử lý hồ sơ ngắn gọn, có thời hạn, hướng dẫn cho người dân; nếu trễ hẹn có lý do và phải xin lỗi.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung khổ thể chế pháp luật để phát triển đầy đủ, hiệu quả thị trường, các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường bất động sản, thị trường vốn chứng khoán, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ…

Mặt khác, đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy, kiện toàn chức năng nhiệm vụ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công theo quy định. Đẩy mạnh phân cấp gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, điều kiện kinh doanh, cải cách các hoạt động kiểm tra chuyên ngành; thúc đẩy mạnh mẽ việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; đơn giản hóa quy trình dịch vụ các TTHC thiết yếu cho người dân, DN.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo