Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tiếp tục phát huy vai trò báo chí trong việc thực hiện Quy định 1374

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm. (Ảnh: S. Hải)

(Thanhuytphcm.vn) - Từ trước đến nay, dù chưa có quy định cụ thể về việc xử lý thông tin do báo chí phản ánh nhưng ở tất cả các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, khi có thông tin liên quan do báo chí phản ánh thì lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đó đều quan tâm xử lý, giải quyết, bằng nhiều hình thức. Do đó, thông tin của báo chí có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát các hoạt động của mình, kịp thời khắc phục các hạn chế, tồn tại, đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên do mình quản lý. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể nên đôi khi xảy ra một số vấn đề chưa đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ và kịp thời.

Từ thực tiễn đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã đề ra cơ chế giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó là cơ sở lý luận và thực tiễn để ra đời Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1/12/2017 về “Giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Trên lĩnh vực báo chí, Quy định 1374 đã phát huy vai trò phản biện thẳng thắn và tính chất lan tỏa rộng rãi để thông tin về nhiều vấn đề của đời sống xã hội, nhất là các nội dung liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Để phát huy vai trò của báo chí trong việc thực hiện Quy định 1374, các cấp ủy cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về nội dung, vai trò, ý nghĩa của Quy định 1374 về giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là vai trò thông tin, phản ánh của báo chí. Việc làm này giúp phát huy hết vai trò “tai mắt” của người dân và vai trò thông tin của báo chí về các vấn đề liên quan đến cán bộ, đảng viên.

Chẳng hạn, trên địa bàn có đảng viên có biểu hiện thực hiện trái pháp luật về xây dựng, người dân có thể nắm được thông tin nhưng việc chọn kênh nào phản ánh là một vấn đề không dễ dàng. Tâm lý chung là phản ánh đến các cơ quan của hệ thống chính trị thường ít được lựa chọn do người dân lo ngại bị lộ thông tin, từ đó có thể bị trả thù, nhưng nếu việc làm sai của cán bộ, đảng viên không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ thì họ thường chọn cách im lặng. Do đó, nếu người dân nhận thức được đúng vai trò của báo chí trong việc phản ánh các biểu hiện chưa lành mạnh, tích cực của cán bộ, đảng viên thì có thể họ chọn báo chí để làm kênh thông tin.

Bản thân các cơ quan báo chí phải xem nội dung phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là một nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng chứ không phải là việc thông tin để giật gân, câu view.

Thí dụ, thông tin về sai phạm của một đảng viên thì phải gắn với vai trò, trách nhiệm quản lý, giáo dục đảng viên của tổ chức đảng, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, từ đó nêu lên kinh nghiệm khắc phục các trường hợp tương tự. Báo chí không nên thông tin theo cách có thể khiến dư luận cảm thấy bản thân báo chí đang lợi dụng vụ việc để thu hút công chúng, thậm chí khiến một bộ phận suy diễn sự sai phạm đơn lẻ thành lỗi của cả hệ thống. Do đó, với trách nhiệm của mình, báo chí cần thông tin một cách chừng mực, tránh những chi tiết có thể bị suy diễn bất lợi, tránh làm “nóng” thêm vấn đề…

Để nội dung phản ánh thực sự thuyết phục và có ý nghĩa, các phóng viên, nhà báo phải gắn việc phản ánh thông tin với việc đề xuất, hiến kế các giải pháp khắc phục. Trong việc thực hiện Quy định 1374, với những vấn đề nổi cộm, phức tạp, bên cạnh việc phản ánh, báo chí cần phải góp phần đề xuất các cách khắc phục vấn đề, hiện tượng đó.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy diễn ra chiều 28/1. (Ảnh: S. Hải) Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm tiếp tục phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông góp phần thực hiện hiệu quả Quy định 1374-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy diễn ra chiều 28/1. (Ảnh: S. Hải)

Chẳng hạn, báo chí phản ánh về sai phạm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, xây dựng, bên cạnh việc nêu khách quan, trung thực về tình hình cũng cần gợi ý những cách thức xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng này. Trong đó, báo chí có thể tìm hiểu, khai thác sâu những nguyên nhân khách quan, như liệu có nhu cầu thực tế quá lớn dẫn đến đáp ứng theo quy định không đủ, liệu còn có những lỗ hổng về mặt quy định, đồng thời cũng không tránh né những nguyên nhân chủ quan, như liệu có hạn chế trong công tác quản lý địa bàn tại địa phương, hay liệu có sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở… Từ đó, báo chí có thể mạnh dạn đề xuất các hướng giải quyết chứ không phải chỉ nêu lên hiện tượng.

Lãnh đạo các cơ quan báo chí cần chú trọng giáo dục lý luận chính trị, bản lĩnh, kiến thức về xây dựng Đảng, kiến thức pháp luật… của đội ngũ phóng viên viết về lĩnh vực chính trị nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng. Khi phản ánh hiện tượng một cán bộ có hành vi nhũng nhiễu thì cần thể hiện ý thức trách nhiệm về việc làm minh bạch vấn đề, thẳng thắn với các sai phạm nhưng không làm vụ việc bị suy diễn sai lệch. Người làm báo phải hiểu về cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị có liên quan, phải nắm chắc về bản chất sự việc, phải có đủ dũng khí để nói lên tiếng nói chính nghĩa nhưng đồng thời cũng phải biết điểm dừng ở đâu để sự việc được phản ánh “vừa đủ” nhằm giải quyết được vấn đề nhưng không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, không làm mất uy tín của hệ thống chính trị… Do đó, người làm báo phải có trí, có tâm, có dũng cần thiết mới có thể thực hiện tốt việc thông tin, phản ánh của mình.

Tóm lại, các cơ quan báo chí và người làm báo nên xem việc phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tức việc thực hiện Quy định 1374, là một nhu cầu đồng thời là một trách nhiệm. Khi tham gia phản ánh chủ đề này, người làm báo một mặt góp phần làm trong sạch hệ thống chính trị, mặt khác là cơ hội được rèn luyện bản lĩnh, được khẳng định bản thân và có thể có được những tác phẩm báo chí có ý nghĩa thiết thực. Do đó, các cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, định hướng cho đội ngũ người làm báo của mình để sáng tạo những tác phẩm báo chí có giá trị.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo