Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tín ngưỡng thờ thần Tài của người Việt

Thờ thần Tài trong một gia đình ở TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tín ngưỡng thờ thần Tài là một trong những tín ngưỡng xuất hiện muộn nhất, nhưng cũng là một trong những tín ngưỡng phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam. Theo phong tục dân gian, ngày vía thần Tài rơi vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Vào ngày này người ta thường đi mua vàng với mong ước một năm mới làm ăn phát tài.

Có thể thấy ở khắp mọi nơi, từ trong các ngôi đình, chùa, am, miếu,… cho đến các hộ gia đình và đặc biệt là các cửa hàng buôn bán, người ta đều thờ thần Tài. Bởi chức năng của thần Tài là ban tài phát lộc, mang lại cuộc sống ấm no, sung túc, mua may bán đắt,… cho con người trong cuộc sống mà nền kinh tế thương nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Tín ngưỡng thờ thần Tài, là cách gọi tắt của thần Tài và ông Địa, hai vị thần được bài trí thờ song song trong một khám thờ đặt sát đất và quay mặt ra theo hướng cửa chính của ngôi chùa, am, miếu hay ngôi nhà... Trong đó, ông Địa là tín ngưỡng hỗn dung của nhiều nền văn hóa khác nhau. Còn thần Tài, chính là Phúc Đức Chánh Thần hay còn gọi là Thổ Địa công của người Hoa mà người Việt đã tiếp nhận.

Hiện nay, rất khó để xác định chính xác thời điểm thần Tài được thờ tự tại Việt Nam, nhất là khi thần Tài hội nhập vào hệ thống thần bảo gia - tức các thần linh bảo hộ cho gia đình. Tuy nhiên, căn cứ vào một số thư tịch ít ỏi còn lưu lại được, các nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc trong sách Thần Tài: Tín ngưỡng và tranh tượng, đã đưa ra nhận định rằng, thần Tài được thờ tự ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX và trở nên phổ biến, gần gũi ở đầu thế kỷ XX - giai đoạn mà nền kinh tế hàng hóa bắt đầu phát triển, thương nghiệp càng lúc càng có vị trí quan trọng thì “tiền, bạc, vàng là dấu hiệu của sự giàu có chứ không phải “lúa thiên, ruộng mẫu”, và lúc này, “con người cần một hình tượng mới chuyên trách cho việc phát tài: Ông thần Tài”.

Như vậy, dù mới chỉ xuất hiện trong khoảng hơn 100 năm trở lại đây, nhưng tín ngưỡng thờ thần Tài đã trở nên phổ biến và ngày càng có xu hướng mở rộng, được mọi tầng lớp nhân dân thành kính tôn thờ với hy vọng nhờ sự “chiếu cố” của thần mà phát tài phát lộc. Và từ đó, dân gian không chỉ cúng thần Tài vào ngày Tết, mà cúng quanh năm, nhất là những gia đình chuyên nghề buôn bán. Bởi họ tin rằng, chỉ khi nào lo cho vị thần này chu đáo thì ông mới phù hộ… Sáng sớm, khi mở cửa bán hàng, người ta thường dâng lên thần Tài - ông Địa ly cà phê, điếu thuốc lá… rồi thắp hương cầu khẩn các vị “độ” cho họ đông khách, mua may bán đắt, trong ấm ngoài êm.

Liên quan đến ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm được lấy làm ngày vía thần Tài, trong dân gian lưu truyền một câu chuyện khác cũng khá thú vị. Đó là truyện về vị thần Tài do một hôm uống rượu say, trượt chân ngã xuống dưới trần gian. Do lúc ngã, ông bị đập đầu vào đá nên bị mất trí nhớ. Mọi người đi qua, thấy ông có bộ quần áo rất đẹp nên lột ra và mang ra chợ bán. Sau đó, ông phải sống nhờ vào việc đi xin ăn. Một hôm, ông được một người bán hàng mời vào quán ăn, từ lúc ông vào quán của người này, quán trở nên tấp nập. Sau đó do người ông có mùi hôi thối, sợ mất hết khách, vị chủ quán liền đuổi ông đi. Một người chủ khác thấy từ lúc ông bước vào quán kia thấy đông một cách lạ thường liền mời ông sang quán mình ăn. Lúc ông sang quán này, quán bên kia lại vắng vẻ. Do thương ông không có gì để mặc, người dân đã mua cho ông một bộ quần áo mới để ông có thể mặc che chắn cơ thể của mình. Kỳ lạ thay, bộ quần áo ấy lại chính là bộ quần áo trước kia của ông. Sau khi mặc bộ quần áo ấy vào, thần Tài nhớ ra mọi chuyện và bay về trời. Ngày ông bay về trời là ngày mùng 10 tháng Giêng nên từ đó mọi người lấy ngày này là ngày vía thần Tài.

Thần Tài mang yếu tố tâm linh trong đời sống văn hóa của người Việt nói riêng và một số nước phương Đông nói chung. Thông thường vào ngày vía thần Tài, người ta thường mua vàng để mong cầu may mắn, tài lộc cho công việc kinh doanh buôn bán của mình.

Thái Hòa


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo