Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng phát triển văn hóa con người

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Hương Thảo)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 20/4, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu đã làm việc với Thường trực Thành ủy TPHCM về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 - NQTW (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn TP.

Tiếp đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải cùng lãnh đạo các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan.

Có chuyển biến tích cực về nhận thức

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 33, TP đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, kinh tế TP phát triển đã tạo nhiều điều kiện cho đầu tư lĩnh vực văn hóa, xây dựng con người, phát huy phẩm chất yêu nước, đoàn kết, năng động, vượt khó, nhân ái, nghĩa tình của nhân dân TP. Bên cạnh đó, trong những năm qua, TP cũng luôn đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, phát triển thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa bằng cơ chế, chính sách theo điều kiện đặc thù của TP… từ đó từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân TP. Đặc biệt, hoạt động xã hội hóa tại TP đã phát triển mạnh, bước đầu hình thành thị trường hoạt động, biểu diễn văn hóa nghệ thuật phong phú, sôi động trên các lĩnh vực…

Các đại biểu trao đổi về kết quả thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn TPHCM. (Ảnh: Hương Thảo) Các đại biểu trao đổi về kết quả thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn TPHCM. (Ảnh: Hương Thảo)

Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa cũng tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa như lối sống thực dụng, sự xâm nhập của lối sống ngoại lai thiếu lành mạnh làm nhạt phai giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Kinh tế, xã hội phát triển nhanh kèm theo những biến đổi phức tạp, tác động nhiều chiều, đặt ra những vấn đề mới trong công tác lý luận, dẫn đến sự lúng túng trong hoạt động của đội ngũ sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật và cán bộ quản lý, tham mưu trên lĩnh vực văn hóa. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh trong khi công tác quản lý đô thị còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu  phát triển văn hóa. Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng trên một số lĩnh vực (hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, sáng tác văn học - nghệ thuật, báo chí, xuất bản, phát hành, hoạt động xã hội hóa lĩnh vực văn hóa…) còn chậm. Các quy định về chế độ đãi ngộ đối với lao động nghệ thuật đặc thù như nghệ thuật truyền thống, hàn lâm, xiếc, múa… chưa tương xứng, khó thu hút nhân tài…

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải phân tích thêm những bước chuyển về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị TP khi việc xây dựng TPHCM “có chất lượng sống tốt” được đặt ra đòi hỏi phát triển toàn diện không chỉ là kinh tế mà còn là đời sống văn hóa. “Với những thông số điều tra xã hội học bước đầu mà TP thực hiện được: 74% cho rằng văn hóa phải phát triển song song với kinh tế, hơn 74% quan tâm việc xây dựng gia đình văn hóa, 66% đặt lên hàng đầu việc giáo dục trách nhiệm công dân… rõ ràng, nhận thức của người dân TP về xây dựng văn hóa, phát triển con người cũng đã có chuyển biến tích cực qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 33” - Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hương Thảo). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Hương Thảo).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang chia sẻ: Hiện TP với hơn 10 triệu dân, đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và gần 30 triệu lượt khách nội địa hàng năm, khoảng 55% người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế TP… TP chịu áp lực không nhỏ trong việc xây dựng đời sống, môi trường văn hóa đáp ứng kỳ vọng, yêu cầu không chỉ của người dân TP mà còn cả du khách trong nước và quốc tế. “Có thể nói, kết quả thực hiện Nghị quyết 33 vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, yêu cầu và cả nguồn lực sẵn có và TP ý thức được rằng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng này” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho hay.

Pháp luật không nghiêm, khó có đạo đức xã hội

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương của TPHCM khi đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng phát triển văn hóa con người. Cụ thể, TPHCM đạt nhiều kết quả quan trọng, như: đã đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế - chính trị trong nhận thức, hay coi “nghĩa tình”, “văn minh” là những thành tố quan trọng, ngang hàng “hiện đại”, “phát triển” về kinh tế. Trong đó “nghĩa tình” là yếu tố đặc biệt thể hiện rõ nét đặc trưng con người phương Nam hào hiệp, phóng khoáng từ nơi tứ xứ hội tụ và đã kiên trì theo đuổi, xây dựng điểm nhấn văn hóa chính trị cho TP.

Tuy nhiên, có một thực tế là TP còn phải cố gắng nhiều khi đầu tư văn hóa vẫn chưa tương xứng so với yêu cầu, so với vị trí của TP, với tiềm lực con người, điều kiện hiện có. “Từ sau giải phóng đến nay, chúng ta xây được Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành nhưng đã có bao nhiêu nhà hát biến thành trung tâm thương mại, nhà hàng, quán cà phê…? Cái xây mới vẫn ít hơn cái mất đi. Hệ thống bảo tàng, thư viện chưa tương đương trong khu vực. Một số tủ trưng bày ở bảo tàng hiện nay vẫn y như cũ và xập xệ hơn thời tôi còn là sinh viên đại học đến tham quan. Đời sống thực tiễn TP luôn sôi động, ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nhưng tại sao tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay lại chưa phản ánh được thực tế đó, chưa có những tác phẩm xứng tầm?…” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đặt vấn đề.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức - văn hóa xã hội. (Ảnh: Hương Thảo) Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong việc xây dựng nền tảng đạo đức - văn hóa xã hội. (Ảnh: Hương Thảo)

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng: Xây dựng văn hóa, phát triển con người đòi hỏi cả xây và chống - xây là cơ bản, chống phải quyết liệt, trong đó pháp luật chính là “bà đỡ” cho đạo đức. Không xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng thì khó thể có đạo đức xã hội. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng nêu dẫn chứng tiêu biểu là Singapore “sạch nhất thế giới” khi đã kiên trì “đánh roi” người xả rác và phạt tiền nặng người nhả bã kẹo cao su.

“TPHCM luôn là tâm điểm dư luận thu hút sự quan tâm của cả nước trong việc hiện Nghị quyết 33 nói riêng và các chủ trương, chính sách của Đảng nói chung. Vì vậy, TPHCM cần tiếp tục phát huy là nơi từ kiểm chứng thực tiễn đóng góp cho việc hình thành, hoàn thiện đường lối của Đảng, những mô hình, cách làm hay nhân rộng cho cả nước” - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng bày tỏ mong muốn.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo