Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM không được chủ quan với Covid-19, cần tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ tiêm nhắc vaccine

Đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như thông tin tại cuộc họp báo

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 15/9, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM kiêm Phó Trưởng chuyên trách Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM, đã chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đến 18 giờ ngày 14/9, có 619.216 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố (tăng 148 ca so với ngày 13/9/2022), bao gồm 618.258 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 189 bệnh nhân, trong đó có 10 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày 14/9, 27 bệnh nhân nhập viện, 31 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 346.717), không có trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 20.488).

Trả lời câu hỏi về tình hình Covid-19 trong thời gian gần đây và TPHCM đã có kế hoạch ứng phó như thế nào trước số ca mắc Covid-19 tăng trở lại, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực đang tăng và TP cũng không ngoại lệ. Trong 4 tuần gần đây biến chủng BA.5 chiếm ưu thế.

Đối với công tác điều trị, đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, hiện tại tất cả các bệnh viện tại TP đều có bệnh nhân Covid-19. Ngành y tế sẽ theo dõi sát diễn tiến, khi cần thiết sẽ khởi động Bệnh viện Dã chiến số 13 (theo kịch bản đã xây dựng).

Để phòng chống dịch, đại diện Sở Y tế khuyến cáo, cần tăng cường tiêm vaccine để tăng độ bao phủ miễn dịch, đặc biệt tiếp tục kế hoạch bảo vệ nhóm người nguy cơ. Đồng thời tuyên truyền thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vaccine. “Diễn tiến số ca mắc mới trong thời gian qua vẫn còn biến động khó lường, có tuần có giảm nhẹ, rồi sau đó tăng lên. Như vậy vẫn phải cảnh giác, không được chủ quan với Covid-19, cần tiếp tục đẩy mạnh tỷ lệ tiêm nhắc vaccine” – đồng chí Lê Thiện Quỳnh Như nhấn mạnh.

Hầu hết mẫu nước giếng khoan được xét nghiệm không đạt chỉ tiêu pH và clorua

Liên quan đến chất lượng nước giếng khoan hiện nay, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Lê Hồng Nga cho biết, hàng tháng, HCDC đều giám sát nước sinh hoạt được cấp theo mạng lưới cấp nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn – TNHH MTV (SAWACO) và nước sinh hoạt trong các hộ dân tự khai thác, với tần suất 2 mẫu/tháng cho mỗi quận, huyện. Tiêu chuẩn xét nghiệm áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế.

Riêng về nước giếng khoan, năm 2021, tổng số mẫu được lấy là 160 mẫu (xét nghiệm 2 tiêu chuẩn là hóa lý và vi sinh). Kết quả ghi nhận, 98% mẫu xét nghiệm được lấy đều không đạt chỉ tiêu pH và clorua; khoảng 15% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh. Tương tự, 6 tháng đầu năm 2022, trong số 120 mẫu nước giếng khoan được giám sát, có 100% mẫu không đạt chỉ tiêu pH và clorua; 15,8% mẫu không đạt chỉ tiêu về vi sinh.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Hồng Nga thông tin tại cuộc họp báo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Lê Hồng Nga thông tin tại cuộc họp báo

Theo đồng chí Lê Hồng Nga, nước giếng khoan không đạt chỉ tiêu tiêu chuẩn hóa lý và vi sinh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người sử dụng. Cụ thể, đối với chỉ tiêu clorua không đạt tức là nước không được khử trùng đầy đủ. Hậu quả có thể gây ra các bệnh lây nhiễm, bệnh đường ruột. Người dân nên thay đổi dần thói quen sử dụng nước giếng khoan sang nước máy đã được kiểm soát chất lượng.

Liên quan đến việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, sụt lún đất trên địa bàn TP, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1242/QĐ-UBND ngày 30/3/2018. Sau hơn 4 năm thực hiện quyết định này với nhiều giải pháp đồng bộ, TP đã thực hiện giảm từ 716.581 m3/ngày xuống còn 264.581 m3/ngày, đạt tỷ lệ 73,3%. Trong đó, lượng khai thác nước dưới đất hộ gia đình ước giảm 235.703 m3/ngày (so với kế hoạch là 327.859 m3/ngày), đạt tỷ lệ 71,9%. Lượng khai thác nước dưới đất trong khu chế xuất – khu công nghiệp giảm 28.805 m3/ngày (so với kế hoạch là 50.150 m3/ngày), đạt tỷ lệ 57,4%. Lượng khai thác nước dưới đất bên ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp giảm 145.220 m3/ngày (so với kế hoạch là 138.572 m3/ngày), đạt tỷ lệ 104,8%. Lượng khai thác nước dưới đất của SAWACO giảm 42.272 m3/ngày đêm (so với kế hoạch là 100.000 m3/ngày đêm) đạt tỷ lệ 42,3%.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo