Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

TPHCM tập trung giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường kiểm soát dịch bệnh

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 4/8, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2022. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2022, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết, 7 tháng đầu năm, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại TP và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức. Khách du lịch nội địa đến TPHCM tăng 71,73% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu tăng tốc. Chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 17,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt khá (đạt 73,20% dự toán năm)…

Cũng theo đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát của TP được kiểm soát. Các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực. Chỉ số CPI của tháng 7 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 7 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,54%, cơ bản ổn định so với cùng kỳ các năm 2018-2021. Ngoài ra, cân đối ngân sách nhà nước được bảo đảm ở mức khá, trong đó, thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ, bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi, tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ trong các tháng cuối năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp

Đồng thời, cân đối xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 ước tăng 6,1%; tính chung 7 tháng tăng 14,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%, nhập khẩu tăng 13,6%; xuất siêu 7 tháng ước đạt 764 triệu USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường trong nước tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và có bước phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 7 tháng tăng 16% so với cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần cùng kỳ các năm 2018-2019, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 11,9%, nhu cầu tiêu dùng trong nước lấy lại đà tăng trưởng tốt. Du lịch đang tận dụng cơ hội để phục hồi sau đại dịch, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 tiếp tục tăng nhanh, tính chung 7 tháng đạt trên 950.000 lượt, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, rủi ro, thách thức phục hồi kinh tế còn rất lớn, nhất là những vấn đề khó dự báo do phụ thuộc điều hành chính sách của các quốc gia lớn trên thế giới như giá cả, nguồn cung xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, yếu tố tâm lý, thời điểm gia tăng nhu cầu vào cuối năm tạo áp lực lạm phát, gia tăng chi phí sản xuất. Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực; từ đó tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, đời sống người dân.

Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà báo cáo tình hình thu chi ngân sách tại phiên họp Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà báo cáo tình hình thu chi ngân sách tại phiên họp

Về hoạt động thu chi ngân sách nhà nước, Giám đốc Sở Tài chính TP Phạm Thị Hồng Hà cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 282.965,161 tỷ đồng, đạt 73,20% dự toán năm; tăng 20,01% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa là 200.954,968 tỷ đồng, đạt 74,41% dự toán, tăng 23,12% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm (không tính tạm ứng) ước thực hiện 33.079,700 tỷ đồng, đạt 33,19% dự toán, giảm 4,24% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư là 6.977,171 tỷ đồng, đạt 16,02% dự toán, giảm 32,28% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 24.679,208 tỷ đồng, đạt 50,71% dự toán, tăng 11,73% so cùng kỳ.

Rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 năm 2022, TPHCM quyết tâm phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Đảm bảo ổn định các cân đối lớn, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng, lương thực thực phẩm và nhu cầu thiết yếu cho người dân. Tập trung giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát tốt dịch bệnh đang diễn biến khó lường như: Dịch bệnh Covid-19, dịch sốt xuất huyết, dịch đậu mùa khỉ. Đẩy mạnh hoàn thành việc tiêm vaccine cho trẻ em và người trên 12 tuổi. Đẩy mạnh đấu thầu mua thuốc và trang thiết bị y tế, không để tình trạng thiếu thuốc ảnh hưởng đến người dân. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Rà soát tổng thể các dự án chống ngập trên địa bàn TP, đề xuất phương án triển khai thực hiện hiệu quả. Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1 theo kế hoạch đề ra; hoàn thành các thủ tục đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất.

Đồng thời, TP sẽ sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 15/9/2021 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ TP về Kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn sau ngày 15/9/2021. Hoàn thành Chương trình Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 20 tháng 1 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; quy hoạch chung TP Thủ Đức. Rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, minh bạch thị trường bất động sản; khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030; theo dõi, đôn đốc UBND các quận đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các chung cư cấp D trên địa bàn; tập trung quản lý xây dựng và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

TP cũng tổ chức sơ kết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của quận, huyện và TP Thủ Đức liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 – 2025;…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo