Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 16/4, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Dự kiến, kỳ họp thứ 7 sẽ làm việc trong 19 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5, dự kiến bế mạc vào ngày 13/6. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến dành 7 ngày để thực hiện việc giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có 4 dự án luật được đề nghị bổ sung vào chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Có 3 dự án luật được đề nghị rút khỏi chương trình là: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, chủ động nghiên cứu để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa nghiêm túc. Đến thời điểm hiện nay, các dự án, dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trong đó có dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình hai lần. Có 2 dự án là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Luật Kiến trúc được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. Đối với 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đã có 2 dự án trình tại phiên họp tháng 3/2019; còn 6 dự án và các nội dung về giám sát chuyên đề, Chương trình giám sát của Quốc hội được trình tại phiên họp này.

Tại phiên họp tháng 5/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số vấn đề quan trọng khác chuẩn bị cho kỳ họp...

Về dự kiến nội dung chuyên đề giám sát, trên cơ sở kết quả lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề để báo cáo Quốc hội. Trong đó,  chuyên đề 1 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em”. Chuyên đề 2 là “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA)”; và chuyên đề 3 là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải”.

Các ý kiến thống nhất việc lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề được dựa trên các tiêu chí là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật. Nội dung giám sát không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất; bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.

Lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng hiện nay nổi lên là vấn đề bạo lực học đường, tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em, những vấn đề liên quan tới đạo đức xã hội... là những nội dung xã hội rất bức xúc, nên lựa chọn lĩnh vực bảo vệ trẻ em nhưng liên quan tới hoạt động tư pháp.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nên chọn chuyên đề 1 ở góc độ tư pháp, liên quan tới việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị khoanh hẹp phạm vi và đổi tên thành giám sát “tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em”.

Lựa chọn chuyên đề thứ 2, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nên đi sâu vào việc thực hiện Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký. Thống nhất quan đểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng giám sát nội dung này rất tốt cho việc xây dựng các văn kiện của Đảng và qua giám sát cũng là dịp để tìm hiểu, nêu rõ những quan điểm, lập trường và cung cách làm ăn trong thời kỳ mới.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo