Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Viện Kiểm sát khẳng định: “Hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm là nhóm lợi ích tiêu cực”

Đại diện Viện Kiểm sát trình bày phần đối đáp lại với các quan điểm bào chữa

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 12/3, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol Phú Thọ) đối với 12 bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố đã bác bỏ hầu hết các quan điểm tự bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư.

Các bị cáo có sự thống nhất

Mở đầu phiên xét xử sơ thẩm vụ, đại diện VKS khẳng định, việc buộc tội của cơ quan tố tụng dựa trên chứng cứ trong quá trình điều tra, thẩm tra, đánh giá công khai tại tòa; quan điểm buộc tội cũng là quan điểm luận tội; chứng cứ buộc tội và gỡ tội thường có những mâu thuẫn với nhau, phải được các bên tranh luận, đối đáp khách quan, công tâm.

Liên quan tới hành vi phạm tội của các bị cáo, VKS cho rằng, ông Đinh La Thăng và các luật sư nói: Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) là chủ đầu tư nên chỉ có chủ đầu tư mới có quyền quyết định lựa chọn nhà thầu, xây dựng nhà máy, ông Thăng chỉ có chủ trương, việc chỉ định thầu cuối cùng vẫn phải do PVB quyết định.

Bị cáo Đinh La Thăng trong phần tự bào chữa cũng khẳng định bản thân trong các cuộc họp đều là những chỉ đạo đúng, không sai, bị cáo không đồng phạm với chủ đầu tư, vụ án này không có nhóm lợi ích.

Việc triển khai dự án là chủ trương chung của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và nhằm phát huy nội lực của PVN, PVN không trực tiếp làm chủ đầu tư mà giao cho đơn vị thành viên thành lập Công ty cổ phần làm chủ đầu tư. Bị cáo Trần Thị Bình, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN và các luật sư bào chữa cho ông Thăng và bà Bình cũng cùng quan điểm trên.

Tuy nhiên, VKS khẳng định, những quan điểm trên là không có căn cứ. Bởi, việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh học trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ ở phía Bắc là nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ Công thương giao cho PVN. Bị cáo Thăng đã chủ trương giao cho PVC được nhận thầu dự án Ethanol Phú Thọ để PVC được chỉ định thầu; bị cáo Thăng vừa có sự chỉ đạo, giao nhiệm vụ trực tiếp đối với PVC vừa chỉ đạo trực tiếp đối với người đại diện vốn tại PVN và tại các đơn vị có vốn góp và PVB.

VKS nhận định, xem xét các văn bản chỉ đạo của bị cáo Thăng từ tháng 3/2009 và kết luận cuộc họp ngày 7/5/2009 với kết luận chỉ đạo ngày 2/6/2009 và tại Công văn số 3839 ngày 27/5/2009, việc này không phải là suy diễn chủ quan của năng lực liên danh nhà thầu, mà các bị cáo hoàn toàn biết rõ năng lực liên danh nhà thầy do PVC đứng đầu không đủ năng lực thực hiện dự án, nhưng bị cáo Thăng đã chỉ đạo không xem xét về năng lực nhà thầu, chỉ xem xét về giá gói thầu theo chủ đầu tư đưa ra.

Từ phân tích và nhận định trên, VKS khẳng định, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng, Trần Thị Bình vi phạm Luật Xây dựng năm 2003, cấu thành tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, đúng như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời, không có cơ sở chấp thuận luận điểm mà các bị cáo đưa ra.

“Trong vụ án, thể hiện giữa các bị cáo, từ bị cáo là người đứng đầu tới các bị cáo là nhân viên của các đơn vị cấp dưới có sự thống nhất, câu kết với nhau để cùng thực hiện hành vi tội phạm”, VKS nêu.

VKS nêu rõ, đây là vấn đề “lợi ích nhóm tiêu cực”, sự câu kết với nhau để thực hiện hành vi sai trái, đó chính là tiêu cực. “Đây không phải vấn đề nhóm lợi ích như bị cáo Thăng bào chữa, chúng tôi đặt vấn đề ở đây là nhóm lợi ích tiêu cực, vì các bị cáo đã câu kết với nhau, cùng thực hiện một việc làm trái pháp luật, là tội phạm”, đại diện VKS tiếp tục khẳng định. Trong khi đó, nhóm các vấn đề về nguyên nhân và hậu quả gây ra mà trước đó các luật sư và các bị cáo tự bào chữa đã nêu, đại diện VKS tiếp tục phần đối đáp về các vấn đề này.

Dự án Ethanol Phú Thọ dừng hoạt động do PVC

Với dự án Ethanol Phú Thọ, quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã sử dụng số tiền lớn để đầu tư (trên 1.400 tỷ đồng), trong số tiền này chủ đầu tư đã vay của ngân hàng. Theo thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải thực hiện dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, đến nay dự án kéo dài gần 10 năm. Trong dự án dừng thi công cho thấy chủ đầu tư phải chịu tiền lãi và do dự án không đưa vào kinh doanh đúng thời hạn vẫn phải tính thiệt hại; bên cạnh đó còn các chi phí khác như: hạng mục công trình, bảo dưỡng, quản lí tài sản, đào tạo nhân lực… Do đó, ngoài thiệt hại về tiền triển khai dự án còn thiệt hại nhiều thứ khác – VKS nhận định.

Tuy nhiên, trong vụ án, vấn đề thiệt hại được xác định trên cơ sở của pháp luật, đó là những thiệt hại thực tế có thể xác định được và là thiệt hại tối thiểu được chấp nhận. Do vậy, cáo trạng xác định các bị cáo gây thiệt hại hơn 500 tỷ đồng là hoàn toàn có căn cứ.

Với quan điểm bào chữa, hành vi chỉ định thầu không gây thiệt hại, VKS lại cho rằng mục đích chỉ định thầu là tìm ra nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án, đạt được hiệu quả đầu tư, tuân theo quy định. Tuy thiên, các bị cáo ở PVC, PVN, PVB đã không tuân thủ các quy định của pháp luật, dẫn đến dự án dừng thi công; nguyên nhân chính dự án dừng thi công là từ phía PVC, thể hiện ở năng lực kinh nghiệm không đạt. “Từ hành vi chỉ định thầu đã gây ra hậu quả như cáo trạng truy tố”, VKS khẳng định.

Trong khi đó, tiếp tục đối đáp với phần bào chữa của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trước đó các luật sư bào chữa cho rằng, việc phân hóa vai trò của bị cáo Thanh chưa đảm bảo, nhưng đại diện VKS cho rằng, trong nhóm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đồng phạm, thì bị cáo Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò cao hơn. Theo VKS, mặc dù PVN chỉ đạo, nhưng PVC và PVB cũng có sự độc lập trong thực hiện chỉ đạo của PVN. Bị cáo Thanh đã chỉ đạo cuộc họp để tổ chức thực hiện dự án, VKS đánh giá vai trò bị cáo Trịnh Xuân Thanh cao hơn, hơn nữa, trong quá trình xét hỏi tại tòa, Trịnh Xuân Thanh cũng không nhận tội, thiếu thành khẩn.

Như Quỳnh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo