Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện tại 18 tỉnh, thành phố

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 9/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 41. Dự kiến phiên họp đầu tiên của năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 9-10/1.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy trình lập Chương trình như hiện nay mới được sửa đổi và thực hiện trong thời gian ngắn. Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình tuy thống nhất với quy trình hai bước trong lập Chương trình, nhưng để thực hiện được thì đòi hỏi Quốc hội phải bố trí lượng thời gian lớn hơn nhiều cho việc xem xét, cho ý kiến đối với các chính sách này khi thông qua Chương trình, như vậy sẽ không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy trình xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp Quốc hội cơ bản như hiện nay, nhưng có sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình lập dự kiến Chương trình.

Quang cảnh phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quang cảnh phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Về trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, tại Kỳ họp thứ tám, cả 2 phương án của Chính phủ trình đã được đại biểu Quốc hội thảo luận, phân tích, làm rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án và đa số đại biểu Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 2. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp thu theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội là tiếp tục quy định cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay; đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý. Theo đó, sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức việc tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan trình dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên như quy trình hiện nay nhưng có bổ sung thêm quy định để tăng thêm vai trò của Chính phủ trong việc bảo vệ dự án luật do Chính phủ trình. Lần thứ nhất, sau khi Quốc hội thảo luận, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý. Trong lần giải trình này, nếu đại biểu Quốc hội có đề xuất chính sách mới thì Chính phủ phải có đánh giá tác động. Sau khi Chính phủ tiếp thu lần đầu sẽ chuyển sang cơ quan thẩm tra. Cơ quan thẩm tra tiếp tục phản biện rồi xây dựng báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Căn cứ vào thảo luận và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra xây dựng báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo