Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Xử lý trách nhiệm người từng được biểu dương: Bài học về việc thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng

(Thanhuytphcm.vn) - Thời gian qua, có một số trường hợp cán bộ, đảng viên từng được biểu dương, khen thưởng bằng nhiều hình thức đã bị xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, do những sai phạm liên quan đến quá trình công tác. Đặc biệt là những ngày gần đây, đã có những trường hợp cán bộ y tế có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn, đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19, đã bị kỷ luật, khởi tố… Trong nhiều trường hợp, dư luận tỏ ra tiếc nuối khi những cán bộ giỏi về chuyên môn nhưng lại mắc sai phạm trong quản lý, điều hành đơn vị và từ đó cho rằng có những người chỉ nên làm chuyên môn thuần túy chứ không nên tham gia công tác quản lý, lãnh đạo…

Thậm chí, có ý kiến cho rằng với các cá nhân đó, phải chăng có sự dễ dãi hoặc thiếu thận trọng khi thực hiện việc biểu dương, kể cả trường hợp được tuyên dương là điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh? Hay liệu có việc chạy thành tích để đánh bóng tên tuổi, uy tín mà cơ quan có thẩm quyền lại để “lọt”?... Trên thực tế, trừ một số ít trường hợp có hiện tượng “mắc bệnh thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", “chạy danh hiệu’” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu, còn lại việc xét biểu dương và trao các hình thức khen thưởng cơ bản chặt chẽ, đúng các quy định. Hầu hết các trường hợp được khen thưởng đều xứng đáng và có ý nghĩa lan tỏa nhất định trong ngành, giới và xã hội.

Do đó, không thể vì một vài cá nhân có sai phạm, bị xử lý kỷ luật hay truy cứu trách nhiệm hình sự mà phủ nhận các đóng góp và việc biểu dương của cá nhân này trước đó, càng không thể vì thế mà xem nhẹ các hình thức khen thưởng của đơn vị đã đạt được. Dĩ nhiên, từ thực tế này, các cơ quan thi đua – khen thưởng cần có sự thẩm định chặt chẽ, khách quan, thận trọng hơn nữa để việc tuyên dương thực sự đúng người, đúng sự việc, đúng tính chất, có ý nghĩa động viên, khích lệ người được biểu dương và những người khác.

Một bài học lớn khác từ các vụ việc nêu trên đáng lưu ý hơn chính là việc mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, một cách thực chất, nghiêm túc. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, đăng trên Tạp chí Học tập số 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

Tại buổi làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, ngày 18/6/1968, để bàn về cách thực hiện điều mà Bác đã đề nghị với Ban Bí thư Trung ương Đảng làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Người nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc viết ở Việt Bắc năm 1948, Bác Hồ đã nói, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự  sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, ngày 11/10/2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm (và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa)…

Như vậy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, không thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng thì có thể sa vào chủ nghĩa cá nhân với muôn hình vạn trạng, như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nêu; nhẹ thì có thể tự đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu, hình ảnh đẹp của người đảng viên, nặng thì đánh mất cả uy tín, sự nghiệp, ảnh hưởng xấu đến gia đình, dòng họ và cơ quan, đơn vị…

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm tra, giám sát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các sai phạm của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị cũng rất quan trọng. Bởi hầu hết các sai phạm đều manh nha từ những việc nhỏ, những dấu hiệu đơn giản nhưng nếu không được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý thì có thể dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài. Một sự chủ quan, xem nhẹ ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp nếu không được uốn nắn, nhắc nhở có thể hình thành tính gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, từ đó có thể vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, là khởi nguồn của nhiều vi phạm nghiêm trọng khác. Một sự háo danh, muốn thể hiện nhưng không bằng năng lực thực sự có thể bắt đầu cho việc chạy thành tích, tranh công, tránh né trách nhiệm…, và cũng là chỉ dấu của những suy thoái, biến chất sau này. Một việc tranh thủ “nhỏ” về lợi ích nếu trót lọt có thể “ăn quen” để dần trở thành những trò ma mãnh nhằm đục khoét của công, nhằm tìm cách đòi hối lộ, nhằm chọn việc gì có lợi mới chịu làm…

Do đó, sự giám sát chặt chẽ của tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị, sự quản lý nghiêm túc của cấp trên cũng là những điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi tự mỗi người thường rất khó vượt qua được các ham muốn của bản thân nếu không bị những ràng buộc về quy định, trách nhiệm, dư luận, nhất là sự kiểm tra, giám sát hợp lý. Như có người đúc kết, để hạn chế tham nhũng, bên cạnh để cá nhân “không muốn”, “không cần” thì cần phải làm sao cho người đó “không thể”, “không dám”; với những yêu cầu khác, điều này cũng rất có ý nghĩa!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo